Chủ tịch Vicofa: Giá cà phê xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng vì hàng tồn kho dần cạn
Xuất khẩu cà phê đạt 4 tỷ USD là khả thi
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng tham vọng 4 tỷ USD của ngành cà phê “nằm trong tầm tay” nhờ động lực giá, các sản phẩm giá trị gia tăng và hiệp định thương mại tự do.
Cụ thể, ông Hải phân tích sau chu kỳ giảm, bình quân giá cà phê xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm khoảng 2.261 USD/tấn, chạm đỉnh hơn 10 năm qua. Trong 5-6 phiên giao dịch gần đây, giá cà phê của Việt Nam liên tục giữ ở ngưỡng 2.300 USD/tấn.
“Giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023”, ông Hải nói.
Ở góc độ chủ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh Group cũng cho rằng triển vọng thị trường cà phê năm 2022 khá tươi sáng, giá sẽ tiếp tục đi lên.
“Tôi nghĩ ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 – 40% vì cả thế giới đang thích ứng với COVID-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Và giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 – 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023”, ông Thông nói.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn, tương đương hơn 2,5 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, ngành cà phê kỳ vọng kết quả xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy sau 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đã hoàn thành được 62,5% kế hoạch.
Ngoài động lực về giá, Chủ tịch Vicofa cho rằng việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu cũng đang giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc.
Theo đó, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê.
Giá cho một tấn cà phê chế biến đạt gần 3.600 USD trong khi cà phê nhân trên sàn khoảng 2.300-2.400 USD/tấn, chưa kể việc cà phê nhân phải chịu cảnh trừ lùi.
Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến đang được nâng lên đáng kể, điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt không còn quá quan trọng đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng.
Thị trường EU, Trung Quốc có độ mở cho cà phê Việt
Để đến gần hơn với đích 4 tỷ USD, các doanh nghiệp cà phê đang gia tăng xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là EU.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta.
Trong top 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã có 5 nước thuộc khối EU, chiếm 35,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, trong đó xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh ghi nhận tăng trưởng ba con số.
Ngoài yếu tố cung-cầu, hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đóng góp không nhỏ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU.
“Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Bởi, cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây.
Mặt khác, lợi thuế thuế quan từ hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này”, ông Hải nói.
Ngoài EU, các chuyên gia trong ngành đánh giá Trung Quốc cũng là thị trường có tiềm năng và độ mở cho cà phê Việt.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng hơn 24.500 tấn cà phê, tương đương 75,5 triệu USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, 3 trong 1 chiếm hơn 60% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc.
Tại một tọa đàm gần đây, ông Tôn Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề cà phê Trùng Khánh cho biết nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm vì nhu cầu thưởng thức cà phê của người dân tăng. Chính vì vậy, tiềm năng nhập khẩu cà phê Việt Nam của Trung Quốc còn rất lớn.
Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc không ngại khám phá những lối sống mới cũng là một đặc điểm thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến sâu tại thị trường này.
Mặt khác, logistics từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng thuận lợi và gần hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU. Doanh nghiệp có thể vận chuyển cà phê bằng cả đường biển và đường sắt.
“Hiện có tuyến đường sắt từ Hà Nội- Trùng Khánh- Matxcova (Nga) và tuyến Lào-Trùng Khánh. Đặc biệt tuyến đường sắt Lào sang Trùng Khánh có giá rẻ hơn từ Hà Nội -Trùng Khánh nên doanh nghiệp có thể cân nhắc phương thức vận chuyển này.
Còn vận chuyển đường biển đến Khâm Châu (Quảng Tây) thì sau đó, doanh nghiệp vẫn phải dùng đường sắt vận chuyển đến Trùng Khánh và các tỉnh thành khác nên chi phí cao hơn”, ông Chính phân tích.
Còn về phía Vicofa, ông Nguyễn Nam Hải đánh giá: “Xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc vừa dễ, vừa khó. Trung Quốc là một thị trường tiềm năng của cà phê Việt Nam. Nếu Trung Quốc mở cửa trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội gia tăng thị phần ở thị trường tỷ dân.
Tuy nhiên, thị trường này cũng đòi hỏi cao về điều kiện xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, đa dạng sản phẩm… Do vậy, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ và chuẩn bị chiến lược trước khi bước vào thị trường này”, ông Hải nói.