Chủ tịch VCCI: 'Mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đang quá tầm'
|
Trước Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cả 2 bản Kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đều quá tham vọng.
Theo quan điểm của ông Lộc, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 "tương đối cao".
Ông Lộc phân tích, ngay từ con số thực tế năm 2016, 9 tháng đầu năm, nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%. Trong khi đó, các động lực chính của tăng trưởng đầu tư công và xuất khẩu đều không đạt kế hoạch, 60% doanh nghiệp trong nước kinh doanh không có lãi.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc, dịch bệnh, thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu đang rình rập, theo ông Lộc việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm tới là chưa có cơ sở.
"Kế hoạch thu/chi ngân sách, nợ công… đều được lập trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng GDP này. Nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu, sẽ có hiệu ứng đô-mi-nô đến những chỉ tiêu khác", ông Lộc lo ngại.
Ngoài ra, đối với mục tiêu lạm phát cũng vậy, ông chỉ ra, mấy năm nay Việt Nam đặt ra mục tiêu lạm phát 5%, nhưng cuối cùng lạm phát chỉ có 1-2%.
"Hay như với mục tiêu cân đối xuất nhập khẩu, tại sao lại đưa ra mục tiêu nhập siêu 6,5 tỷ USD trong khi 9 tháng đầu năm 2016 nền kinh tế đã xuất siêu gần 4 tỷ USD? Và trên cơ sở nào Chính phủ lại lập kế hoạch vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân là 750 nghìn tỷ đồng trong năm 2017?", ông Lộc đặt ra câu hỏi.
Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, ông Lộc băn khoăn không biết bằng cách nào mà đạt được. Chẳng hạn, mục tiêu đưa nợ xấu trong nền kinh tế xuống mức dưới 3% là cần thiết, nhưng giải pháp lại rất mơ hồ.
Phân tích về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng toàn giai đoạn 6,5-7% đến năm 2020, chủ tịch VCCI cho rằng với hệ số sử dụng vốn (ICOR) là 5, mục tiêu tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 32-34% là hợp lý. Tuy nhiên, hiện tại tiết kiệm của nền kinh tế mới chỉ đạt mức 28-29% GDP. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra, Việt Nam sẽ phải tăng vay nợ.
Tăng trưởng cao đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức. Theo đó, việc lạm phát đạt dưới mục tiêu 5% làm lãi suất cũng vì thế được gắn theo mục tiêu này. Kết quả là lãi suất bị neo ở mức quá cao so với lạm phát và những người chịu hậu quả là các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.
Nhìn lại các kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn trước, chủ tịch VCCI khẳng định, chính việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô.
Tại phiên báo cáo về kế hoạch tài chính 5 năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định: "Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn" là nguyên nhân trước hết do tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ nên đặt lại mục tiêu tăng trưởng khoảng 6-6,5% giai đoạn 2016 - 2020 thay vì 6,5-7% như kế hoạch.
Trong giai đoạn 2007-2015, nền kinh tế cũng chỉ tăng trưởng trung bình 6%/năm với hệ số ICOR hơn 6, nên nếu đạt mức 6-6,5% trong 5 năm tới với hệ số ICOR là 5 thì đã là có sự tiến bộ.
"Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra mục tiêu khả thi kèm kịch bản xử lý tình huống để tránh bị động trước các cú sốc", ông Lộc kiến nghị.