|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói gì về diễn biến thị trường?

08:53 | 07/02/2018
Chia sẻ
Vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị "thổi bay" gần 300 nghìn tỷ đồng trong hai phiên giao dịch 5 và 6/2. Chỉ số VN-Index giảm mạnh về mức 1.011,6 điểm (ngày 6/2/2018), giảm hơn 93 điểm so với phiên cuối tuần trước (1.105,04 điểm - ngày 2/2/2018).
chu tich uy ban chung khoan noi gi ve dien bien thi truong Thị trường hoảng loạn, cổ đông nội bộ 'kẻ tham lam' gom hàng, 'người sợ hãi' bán tháo
chu tich uy ban chung khoan noi gi ve dien bien thi truong Nhận định thị trường chứng khoán 7/2: VN-Index sẽ qua những ngày 'đen tối’?

Trước diễn biến của hai phiên giao dịch đặc biệt này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã nhận định về nguyên nhân và đánh giá về xu hướng thị trường trong thời gian tới.

chu tich uy ban chung khoan noi gi ve dien bien thi truong
Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Trần Văn Dũng

Thị trường đã có 2 phiên giảm sâu, VN-Index mất 8,6%, vốn hoá thị trường bay mất khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Theo phân tích và nhận định ban đầu của Ủy ban Chứng khoán, nguyên nhân được xác định là gì, thưa ông?

Theo quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán giảm điểm trong 2 phiên chủ yếu do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do tình hình thị trường chứng khoán của cả thế giới giảm điểm do chính sách gần đây của FED (Mỹ). Nhận định gần đây của các tổ chức tài chính lớn rằng FED sẽ tăng lãi suất 3-4 lần nữa trong năm 2018 thì đã có tác động rất mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Và như chúng ta vừa biết trong ngày 5/2 thị trường chứng khoán toàn cầu đang đồng loạt mất điểm: Dow Jone giảm 4,6% (giảm 1175 điểm), Nasdaq giảm 3,88%, S&P500 giảm 4,1%.

Tại thị trường chứng khoán Châu Á: trong hai ngày 5 và 6/2, chỉ số Nikkei 225 giảm 9%.

Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh từ tháng 11/2017 đến hết tháng 1/2018 nên cũng đã đến lúc thị trường có điều chỉnh, tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư khá mạnh nhất là vào giai đoạn cuối năm Âm lịch. Thời điểm chốt lời rơi vào giai đoạn thị trường quốc tế đảo chiều cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhà đầu tư.

Theo nhận định của Ủy ban Chứng khoán thì liệu trong mấy ngày tới đà chốt lời có còn tiếp diễn hay không, thưa ông?

Chúng ta đều thấy rằng tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phát triển rất tốt. Các chỉ số như GDP, CPI, lãi suất đều đạt kế hoạch hoặc được giữ ở mức ổn định theo đề ra của Chính phủ. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2017 khá khả quan. Số công ty niêm yết có lãi là 481/511 công ty, chiếm khoảng 94% tổng số công ty niêm yết.

Doanh thu thuần của công ty niêm yết theo ngành năm 2017 tăng so với năm trước, tăng 19,11% (tính toàn thị trường). Trong đó có các ngành có tăng mạnh về doanh thu như bất động sản (tăng 34,19%), ngành tài chính ngân hàng tăng 24,88%.

Nếu xét về lợi nhuận sau thuế thì mức tăng trưởng chung toàn thị trường đạt 26,43%. Riêng ngành tài chính ngân hàng tăng rất mạnh (62,58%); bất động sản và xây dựng tăng lần lượt là 39,77% và 31,88%.

Các chỉ tiêu sinh lời như ROE và ROA đều tăng cao hơn so với năm trước. ROE của 2017 tăng 24% so với ROE của 2016; ROA của 2017 tăng gần 7% so với của năm 2016. Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài trong giai đoạn vừa qua liên tục tăng mạnh.

Mặc dù thị trường giảm mạnh như vậy nhưng thanh khoản thị trường không hề sụt giảm trong 2 ngày qua, thậm chí còn rất tốt. Giá trị giao dịch trong ngày 6/2 đạt trên 17 nghìn tỷ đồng trên cả hai sàn HOSE và HNX và ngay cả trong ngày thứ 2 giảm mạnh thì nước ngoài vẫn mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và mua ròng hơn 273 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.

Đây là dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ với tổng giá trị trên 9.600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng trái phiếu.

Trong 4 phiên giao dịch đầu tháng 2/2018, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 5.012 tỷ đồng và 319 tỷ đồng trái phiếu.

Tính chung từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hơn 14.600 tỷ đồng và 1.081 tỷ đồng trái phiếu.

Trước đó, tính đến thời điểm cuối năm 2017, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài là 32,9 tỷ USD tăng 90% so với cuối năm 2016. Trong bối cảnh như vậy, có thể nói sự nhạy cảm của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài tâm lý chung của thị trường chứng khoán thế giới.

Ngoài lý do về thị trường chứng khoán thế giới, giới phân tích cũng nhắc tới ẩn số margin. Tại thời điểm này, con số margin của thị trường là bao nhiêu và có thực sự lo ngại không, thưa ông? Việc điều chỉnh chính sách về margin sẽ được thực hiện như thế nào?

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán đã nhận được sự đồng thuận của các thành viên thị trường - đại diện cho 84% thị phần giao dịch margin. Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán sẽ xem xét về thời điểm áp dụng quy chế mới về giao dịch ký quỹ cho thích hợp.

Chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ margin sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư và diễn biến sụt giảm của thị trường do các nguyên nhân sau: (1) giá trị cho vay margin tính đến ngày 2/6 bằng 42.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ tương đương 1,16% giá trị vốn hóa toàn thị trường; (2) Tâm lý chung của nhà đầu tư khi Ủy ban Chứng khoán công bố lấy ý kiến về điểu chỉnh margin là khá vững vàng.

Ngay sau khi công bố thời điểm dự kiến ra quyết định điểu chỉnh tỷ lệ margin ngày 22/1/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 25,35 điểm (2,39%). Ngày 23/1 và 24/1 tiếp tục tăng từ 17 đến 11 điểm cho thấy nhà đầu tư khá vững vàng và lạc quan trong việc điều chỉnh margin.

Do đó, việc điều chỉnh margin sẽ được thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc đảm bảo tính bền vững cho thị trường, không gây sốc đến tâm lý của nhà đầu tư và có thời gian để công ty chứng khoán và nhà đầu tư điều chỉnh trước khi Quyết định chính thức có hiệu lực.

Có ý kiến cho rằng: hiện đang có hiện tượng dòng tiền lớn rút khỏi thị trường mới nổi và vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến việc mua ròng mạnh của vốn ngoại. Chủ tịch có lo về dòng vốn ngắn hạn này chảy vào Việt Nam không?

Hiện tượng dòng tiền lớn rút khỏi thị trường chứng khoán, nhất là dòng vốn ngoại có thể được coi là một trong những rủi ro của thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào hai phiên giao dịch có sự sụt giảm mạnh gần đây chúng ra có thể thấy nhiều điều đáng suy ngẫm về thực tế kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam.

Riêng phiên giao dịch ngày 5/2 và 6/2, mặc dù chỉ số VN-Index giảm mạnh, tương đương với giá trị lần lượt là giảm 5,6% và 3,54%, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng. Ngày 5/2, khối ngoại đã mua ròng 246 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, và mua ròng 21 tỷ đồng trái phiếu. Ngày 6/2, khối ngoại mua ròng với giá trị hơn 4.276 tỷ đồng trong đó mua ròng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 4.229 tỷ đồng và mua ròng 273 tỷ đồng trái phiếu.

Đây là những tín hiệu khá tích cực, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao về khả quan của nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh này, ông có nhắn nhủ điều gì với nhà đầu tư?

Trong lúc này, tôi mong nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông trong bối cảnh thị trường thế giới giảm điểm. Nền tảng vĩ mô của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tích cực. Do đó, thị trường vẫn được kỳ vọng phát triển bền vững trong năm nay.

Hoàng Xuân