|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Trương Gia Bình viết tâm thư kêu gọi người FPT 'tái sinh', nhấn mạnh việc chống COVID-19 là cuộc chiến sinh tử

13:30 | 14/09/2021
Chia sẻ
"Người Ấn Độ làm được, người Trung Quốc làm được, người Việt Nam cũng làm được. Và chúng ta đã làm hết sức mình, làm tất cả những gì có thể", ông Trương Gia Bình viết.

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 33 của Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội đồng quản trị - ông Trương Gia Bình, đã viết tâm thư gửi nhân viên, người lao động, sinh viên,… tại FPT, những người mà ông gọi là "các chiến hữu". 

Ông Bình nhắc lại chặng đường 1/3 thế kỷ mà tập đoàn đã đi qua, từ chỗ chỉ có 13 thành viên vào ngày 13/9/1988 đến gần 31.000 nhân viên trên toàn cầu vào năm 2021:

"Hôm nay là ngày sinh nhật 1/3 thế kỷ. Hôm nay là ngày sinh nhật tái sinh của Tập đoàn FPT. 10 năm đầu chúng ta có khát vọng vượt qua cấm vận, đưa CNTT đến Việt Nam. Và chúng ta có niềm tin. Chúng ta tin vào từng con người FPT. Chúng ta tin rằng không nắng mưa, gió bão nào ngăn được họ. Cùng nhau, chúng ta đã làm việc quên mình và chơi hết mình."

Chủ tịch Trương Gia Bình viết tâm thư kêu gọi người FPT 'tái sinh', nhấn mạnh việc chống COVID-19 là cuộc chiến sinh tử - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. (Đồ hoạ: FPT).

Trong bức thư, vị Chủ tịch FPT kể lại quá trình tiến ra thế giới và ghi danh Việt Nam lên bản đồ số của tập đoàn này. Đi từ đại lý phân phối các sản phẩm của IBM, Compaq, HP…, năm 1994 và chỉ 4 năm sau, trước cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, lãnh đạo FPT khi ấy đã thống nhất lấy xuất khẩu phần mềm làm trọng tâm.

Gần 20 năm sau, FPT đã trở thành một trong những công ty xuất khẩu phần mềm đứng đầu tại Việt Nam cả về quy mô nhân lực, doanh số và thuộc danh sách 100 Nhà cung cấp Dịch vụ Ủy thác toàn cầu (Top 100 Global Outsourcing) do IAOP đánh giá cùng với sự hiện diện tại 21 quốc gia trên thế giới.

Tiếp chiến lược này, tháng 6/2014, FPT hoàn tất thương vụ M&A đầu tiên thông qua việc mua công ty RWE IT Slovakia, đơn vị thành viên của RWE, tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam nói chung. 

Thương vụ này mang về cho FPT bản hợp đồng nhiều chục triệu USD với RWE và bổ sung thêm một lĩnh vực đặc thù mới là hạ tầng công ích (utilities) trong danh mục các lĩnh vực có khả năng cung ứng dịch vụ phần mềm của FPT.

Đến năm 2018, FPT tiếp tục mua 90% cổ phần của Intellinet - Công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ, giúp tập đoàn này trở thành đối tác cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn. Với một quyết tâm "người Ấn Độ làm được, người Trung Quốc làm được, người Việt Nam cũng làm được", FPT từng bước tiến ra thế giới.

Hiện tại, khách hàng của FPT gồm hơn 600 doanh nghiệp lớn trên thế giới, đặc biệt trong đó có gần 100 khách hàng nằm trong danh sách Fortune 500. Một số tên tuổi khách hàng lớn có thể kể đến Toshiba, Hitachi, Airbus, Deutsche Bank, Unilever, Panasonic… Công ty tiếp tục đổ tiền đầu tư vào các xu hướng công nghệ mới như AI, Big Data, IoT,… với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD tại thị trường trong nước.

Năm ngoái, bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh, FPT ghi nhận với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khối công nghệ đóng góp 56% với 16.805 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Khối viễn thông chiếm 39% với 11.466 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2019. Khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%.

Về tình hình dịch bệnh, trong bức thư gửi "chiến hữu", ông Trương Gia Bình nói rằng thảm họa COVID bất ngờ bao phủ thế giới, trùm lên Việt Nam. Riêng đợt bùng phát thứ tư tại Việt Nam đã có trên 600.000 ca nhiễm, khoảng 15.000 ca tử vong. 

Theo khảo sát do báo VnExpress thực hiện, có khoảng 62% lao động mất việc, 85% doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Hàng triệu trẻ em không được đến trường học. Hàng triệu người dân không còn tiền ăn, ở.

"Đây là cuộc chiến sinh tử. Với vị thế công ty công nghệ hàng đầu của quốc gia, vào sinh nhật 1/3 thế kỷ của mình, FPT tái sinh - để chiến đấu bảo vệ sinh tồn của con người và doanh nghiệp. 

Chúng ta không thể diệt trừ hoàn toàn COVID, nhưng chúng ta có thể chế ngự nó. Chúng ta sẽ đưa đến các doanh nghiệp vắc xin eCovax để họ quay lại hoạt động an toàn", người đứng đầu FPT nhấn mạnh.

Dưới đây là toàn văn bức thư gửi cán bộ công nhân viên Tập đoàn FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình:

Các chiến hữu FPT,

Hôm nay là một ngày sinh nhật đặc biệt,

Hôm nay là ngày sinh nhật 1/3 thế kỷ,

Hôm nay là ngày sinh nhật tái sinh của Tập đoàn FPT.

10 năm đầu chúng ta có khát vọng vượt qua cấm vận, đưa CNTT đến Việt Nam.

Và chúng ta có niềm tin.

Chúng ta tin vào từng con người FPT. Chúng ta tin rằng không nắng mưa, gió bão nào ngăn được họ. Cùng nhau, chúng ta đã làm việc quên mình và chơi hết mình.

10 năm đó, FPT đã đưa internet vào Việt Nam để rồi vươn lên vị trí số 1 trong làng CNTT Việt Nam.

10 năm tiếp theo, chúng ta có khát vọng lớn hơn nữa. Chúng ta muốn mở rộng bờ cõi trí tuệ, ghi tên Việt Nam trên bản đồ số thế giới.

Khó khăn ngút ngàn. Mở chi nhánh tại Silicon Valley, Mỹ - thất bại. Mở chi nhánh tại Bangalore, Ấn Độ - thất bại. Ngân sách cạn, nhưng chúng ta chưa bao giờ tuyệt vọng.

Người Ấn Độ làm được. Người Trung Quốc làm được. Người Việt Nam cũng làm được.

Và chúng ta đã làm hết sức mình, làm tất cả những gì có thể.

Chúng ta đã áp dụng bài học của cha ông trong chiến tranh vệ quốc, theo cách cha ông phát động "chiến tranh nhân dân" để phát động "cuộc chiến xuất khẩu phần mềm".

Chúng ta học tiếng Anh. Học tiếng Nhật. Mở Đại học. Nỗ lực bền bỉ của người FPT đã được đền đáp.

Chấp nhận phần mềm FPT, thế giới chấp nhận Việt Nam. Việt Nam đã có tên trên bản đồ số của thế giới.

10 năm tiếp sau nữa là 10 năm FPT lên sàn. Thành công và lòng tự mãn đã làm chậm bước tiến của FPT.

Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thổi vào FPT luồng sinh khí mới. FPT lại quyết tâm chinh phục đỉnh cao chuyển đổi số của thế giới.

Thảm họa Covid bất ngờ bao phủ thế giới, trùm lên Việt Nam. Riêng đợt bùng phát thứ tư tại Việt Nam đã có trên 600 nghìn ca nhiễm, khoảng 15 nghìn ca tử vong.

Theo khảo sát do báo VnExpress thực hiện, có khoảng 62% lao động mất việc, 85% doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Hàng triệu trẻ em không được đến trường học. Hàng triệu người dân không còn tiền ăn, ở.

Đây là cuộc chiến sinh tử. Với vị thế công ty công nghệ hàng đầu của quốc gia, vào sinh nhật 1/3 thế kỷ của mình, FPT tái sinh - để chiến đấu bảo vệ sinh tồn của con người và doanh nghiệp.

Chúng ta không thể diệt trừ hoàn toàn Covid, nhưng chúng ta có thể chế ngự nó. Chúng ta sẽ đưa đến các doanh nghiệp vaccine eCovax để họ quay lại hoạt động an toàn.

Chúng ta sẽ tham gia để "lưu thông xanh" trở lại. Chúng ta sẽ cung cấp các giải pháp cho chính quyền để kiểm soát dịch, dập dịch.

Chúng ta sẽ dùng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ chăm sóc điều trị F0 tại nhà. Chúng ta sẽ cùng Quỹ Hy vọng đem túi thuốc F0, quà an sinh đến những người đang khốn khó. Chúng ta sẽ giúp các em học sinh được học và học được ở nhà trong đại dịch.

Ngay buổi chiều sinh nhật tái sinh này, chúng ta sẽ cùng tỉnh Hải Dương khởi động "cuộc chiến tranh nhân dân" chống Covid. Công nghệ là vũ khí sống còn trong cuộc chiến. Chính đó là lẽ tái sinh của FPT, cũng là vinh dự, trách nhiệm của FPT.

Mỗi đơn vị, từng tổ chức, lãnh đạo các cấp, mọi cán bộ nhân viên FPT hãy chủ động tìm "vị trí chiến đấu" của riêng mình và lao vào cuộc chiến tái sinh.

Mệnh lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày nào lại vang vọng trong tâm can chúng ta "Thần tốc, thần tốc hơn nữa..."

Giờ đây, mỗi thời khắc được tính bằng sinh mạng người dân Việt Nam và của cải được chắt chiu từ bao nhọc nhằn bấy lâu.

Các chiến hữu FPT, hãy quyết chiến cho Việt Nam tất thắng Covid!

Vẻ vang tái sinh FPT!

Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

Thiên Trường