Chủ tịch Trung An: Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải là ăn may
Chất lượng quyết định giá bán gạo
2023 được coi là mùa vàng của ngành gạo khi xuất khẩu tăng cả về lượng và giá. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 8,3 triệu tấn, tương ứng 4,8 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng gần 40% về giá trị so với năm 2022. Đây cũng là kết quả tốt nhất của ngành gạo sau 34 năm tham gia vào thị trường toàn cầu.
Tại toạ đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo", ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 đã tốt, 2024 có thể tốt hơn khi các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn.
“Trong bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhưng ít hơn, chúng ta vẫn có thể tăng sản xuất. Đây không chỉ là cơ hội trời cho, mà cả sức mạnh nội tại.
Giá gạo Việt Nam giá cao hơn Thái Lan không phải ăn may mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao”, ông Phạm Thái Bình nói.
Tại tọa đàm, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cũng chia sẻ ngay từ khi gạo ST25 lần đầu được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 tại Philippines, ông đã khẳng định gạo Việt Nam không thua gạo Thái Lan.
“Việt Nam có thể tạo ra giống vừa năng suất cao, vừa ngắn ngày, sản xuất 2-3 vụ lúa/năm, thậm chí nếu thế giới cần, chúng ta có thể làm 4 vụ lúa/năm bằng hình thức cấy, thay vì sạ”, GS. Võ Tòng Xuân nói.
Theo vị chuyên gia nông nghiệp, gạo của Việt Nam có thể bán được giá 600-700 USD/tấn, thậm chí hơn giá gạo của Thái Lan nhờ giống lúa mới, giá thấp nhưng gạo vẫn ngon cơm.
“Giá gạo Việt Nam cao không hẳn do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà còn nhờ việc sở hữu giống mới. Do đó, giá cao sẽ tiếp tục cao.
Trong khi các đối thủ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Việt Nam vẫn bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết sống chung với biến đổi khí hậu”, GS. Võ Tòng Xuân nói.
Bàn về cơ hội xuất khẩu năm 2024, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) kỳ vọng giá gạo tăng lên 1.000 USD/tấn, không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng có lãi, tất cả thành tố trong chuỗi đều hưởng lợi.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng năm 2024 không lường trước việc gì. Tuy nhiên trường hợp giá gạo trở về mặt bằng năm 2021-2022 vẫn bảo đảm cho nông dân có lợi.
Xây dựng thương hiệu gạo tại Philippines
Ngoài câu chuyện về cơ hội và thách thức, các chuyên gia cũng bàn luận về vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết mỗi năm quốc gia này nhập khẩu khoảng 3,5- 4 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam là đối tác số 1 về gạo của Philippines.
Riêng trong 11 tháng năm 2023, Philippines nhập khẩu của Việt Nam gần 2,9 triệu tấn gạo, vượt qua lượng hàng mua cả năm 2022.
Ông Thành nhận định gạo Việt Nam có lợi thế về phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao đều có thể tiêu dùng, đồng thời giá cạnh tranh. Tuy nhiên, giá gạo hiện đang ở mức cao nên khả năng cạnh tranh cần phải nhìn lại.
“Philippines nhận thấy sự phụ thuộc lớn về gạo Việt Nam nên đang đa dạng hóa nguồn cung, tuy nhiên tôi tin rằng chúng ta vẫn giữ được vị trí số 1”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thành cũng đặt vấn đề người Philippines ăn gạo Việt Nam rất nhiêu nhưng không hề biết đó là hàng Việt.
“Chúng tôi đưa đoàn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sang khảo sát Philippines nhưng tiếc là tìm không thấy gạo Việt Nam trên thị trường. Trong khi đó, gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan lại làm thương hiệu rất tốt”, ông Thành nói.
Do đó, ông Thành cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại Philippines cũng là nhiệm vụ lớn, bên cạnh gia tăng xuất khẩu về lượng.
Trong năm 2024-2025, Thương vụ Việt Nam tại Philippines sẽ thành lập CLB doanh nhân Việt Nam – Philippines để giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đối tác uy tín mà không cần phải trực tiếp sang Philippines, từ đó giảm chi phí, tránh trường hợp gặp đối tác lừa đảo.
Ngoài ra, hằng năm, Thương vụ phối hợp với Đại sứ quán tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm mẫu tới trưng bày tại gian hàng mẫu của thương vụ để giới thiệu với khách hàng.
“Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhà nước xây dựng tiêu chuẩn”, đây cũng là khuyến cáo của ông Lê Thanh Tùng về giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo.