|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm: 'Tôi chấp nhận lỗ hoặc lãi chút đỉnh để nông dân lời 1,5 - 2 triệu đồng một con heo'

14:10 | 29/10/2021
Chia sẻ
"Vừa qua, giá heo hơi xuống mức 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng doanh nghiệp vẫn mua của người chăn nuôi 65.000 đồng/kg. Tôi chấp nhận mất 5 giá một kg để người chăn nuôi có lời 1,5 - 2 triệu đồng khi bán một con heo", Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam chia sẻ.

Liên kết nhiều khi 'cơm không lành canh không ngọt'

Câu chuyện mất cân bằng lợi nhuận giữa các bên trong ngành chăn nuôi thời gian qua đã tạo nên những nghịch lý khi người chăn nuôi bán heo giá rẻ, thua lỗ, trong khi người tiêu dùng vẫn phải chi tiền mua thịt heo giá đắt đỏ.

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm: 'Tôi chấp nhận lỗ hoặc lãi chút đỉnh để nông dân lời 1,5 - 2 triệu đồng một con heo' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trực tiếp đi kiểm tra phản ánh giá heo hơi xuống thấp nhưng giá thịt heo vẫn neo cao (Ảnh: Bộ NN&PTNT)

Hiện giá heo hơi ở 3 miền trên cả nước đang dao động trong khoảng từ 45.000 - 53.000 đồng/kg. So với ngày 20/10, giá heo hơi đã tăng từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Giá heo hơi đã tăng liên tiếp trong những ngày gần đây nhưng mới chỉ ở mức hòa vốn, thậm chí lỗ với người chăn nuôi phải mua con giống. 

Theo Cục Chăn nuôi, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi heo nái đến nuôi heo thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000 - 60.000 đồng/kg.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng chỉ ra vừa qua nhu cầu heo giảm, heo thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30% (1,5 triệu con khối lượng 120-160kg/con) nên có giá 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Tuy vậy, giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các chợ và các siêu thị khu vực nội thành của 2 TP Hà Nội và TP HCM vẫn ở mức cao 110.000 - 200.000 đồng/kg tùy theo loại thịt có loại như thịt nọng tới 415.000 đồng/kg. Trong khi Cục Chăn nuôi cho rằng giá thịt heo hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg. 

Có thể thấy khủng hoảng giá heo vừa qua cho thấy rất rõ những bất cập về câu chuyện phân chia lợi nhuận trong chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam. 

Thời điểm đó chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, than phiền liên kết trong ngành chăn nuôi của Việt Nam không giống ở nước ngoài là chia lợi nhuận đều cho người chăn nuôi, doanh nghiệp giết mổ và nhà phân phối. 

Dẫn tới khi thị trường có biến động, cung nhiều hơn cầu, người chăn nuôi, chủ trang trại dù có liên kết với doanh nghiệp thì lỗ vẫn hoàn lỗ do phải bán dưới giá thành sản xuất.

Mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp dường như vẫn chưa được "cơm lành canh ngọt". 

Tại Hội nghị phát triển ngành chăn nuôi mới đây, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh công ty TNHH De Heus kiến nghị các bộ, ngành cần xây dựng chương trình liên kết cụ thể hơn, phối hợp với cơ quan pháp luật để xây dựng chế tài phá vỡ liên kết.

Ông Hiếu cho hay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thời điểm giá gà trắng ở Đông Nam Bộ xuống mức 6.000 đồng/kg, song doanh nghiệp vẫn mua của người chăn nuôi trong chuỗi liên kết là 26.500 đồng/kg. 

"4 tháng vừa qua là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp, chúng tôi bị thiệt hại rất lớn nhưng không được chia sẻ gì cả trong khi đầu ra mà tốt thì người chăn nuôi lại sẵn sàng phá vỡ liên kết này", đại diện De Heus phản ánh. Điều này cho thấy việc xây dưng chuỗi liên kết trong ngành chăn nuôi không hề đơn giản.

Chấp nhận lỗ 5 giá để giữ được chuỗi

Song ở một góc nhìn khác, Tập đoàn Quế Lâm - doanh nghiệp đang sở hữu sở hữu chuỗi chăn nuôi heo an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã mở rộng được 35.000 con/năm. 

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm cho hay,  vừa qua, giá heo hơi xuống mức 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng doanh nghiệp vẫn thu mua của nông dân 65.000 đồng/kg. 

"Trong khi chúng tôi chỉ bán được 60.000 đồng/kg, lúc tốt hơn thì bán được 70.000 đồng/kg. Tôi chấp nhận mất 5 giá một kg heo hơi để người chăn nuôi có lời, giữ được chuỗi".

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm: 'Tôi chấp nhận lỗ hoặc lãi chút đỉnh để nông dân lời 1,5 - 2 triệu đồng một con heo' - Ảnh 2.

Số liệu: Tổng hợp, Biểu đồ: Hoàng Anh

Ông Lam tâm sự 10 năm "nhảy" vào ngành chăn nuôi heo thì 8 năm lỗ vốn, 2 năm vừa rồi mới bắt đầu hòa vốn. Quế Lâm lấy lợi nhuận từ việc bán được 500 - 1 triệu tấn phân bón mỗi năm để "nuôi" lĩnh vực kinh doanh chăn nuôi. 

"Tôi chấp nhận lỗ vốn hoặc chỉ lãi chút đỉnh để người chăn nuôi có thể lời 1,5 - 2 triệu đồng/con heo dù thị trường có biến động ra sao. 

Bởi khi có được lãi, thấy được hiệu quả thì người nông dân mới theo Quế Lâm, chăn nuôi theo quy trình mà chúng tôi đặt ra. Doanh nghiệp cứ mè nheo với nông dân, được nhiều hơn nông dân thì không bao giờ liên kết bền vững được", ông Lam chia sẻ.

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm nhấn mạnh, lợi nhuận phải được phân phối đều cho 3 đối tượng trong chuỗi là người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu làm được điều này thì không bao giờ chuỗi lung lay, tuy nhiên quá trình thực hiện thì doanh nghiệp phải trả giá, chịu khó, chịu khổ thì mới làm được.

Với người chăn nuôi, lãnh đạo Quế Lâm mong muốn khi thị trường khó khăn cũng cần đồng hành cùng doanh nghiệp, có thể cho thanh toán chậm một chút, 2 bên chia sẻ lợi ích với nhau còn nếu cứ "thẳng đường mà đánh thì đôi khi doanh nghiệp được, nông dân lại thiệt và ngược lại. 

"Muốn ngành nông nghiệp phát triển, thì các thành phần trong chuỗi cần phải xem nhau là gia đình, chia sẻ lợi ích với nhau", ông Lam nói.

Về bất cập trong câu chuyện liên kết của ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho rằng việc liên kết cần phải chặt chẽ hơn, có thiết chế rõ ràng, tránh tình trạng giá tăng thì người chăn buôi bẻ kèo, giá giảm thì mấy "ông" doanh nghiệp lại chậm thu mua, kết nối phải thực bền vững thì mới đảm bảo. 

Thứ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh, trong liên kết chuỗi, doanh nghiệp cần thể hiện bản lĩnh trí tuệ, trách nhiệm chứ "ông doanh nghiệp thế này, người chăn nuôi thế kia thì rất khó". 

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, thú y, vắc xin cần phải giữ giá hợp lý. "Tất cả mọi chi phí đầu vào tăng hết cả lên rồi người chăn nuôi, hợp tác xã không làm nữa thì lấy đâu ra nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến", ông Tiến nhấn mạnh.

Dương Thùy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.