|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Powell sẽ bảo vệ thị trường lao động dù lạm phát có thể kéo dài hơn

08:52 | 25/03/2024
Chia sẻ
Chủ tịch Jerome Powell cho biết sự suy yếu "bất ngờ" của thị trường lao động có thể thúc đẩy các quan chức Fed giảm lãi suất. Việc Fed sẵn sàng hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường lao động là tin tốt cho thị trường tài chính.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: FT). 

Tránh thất nghiệp tăng vọt

Khi giá cả nóng lên trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra sức ngăn chặn vòng xoáy tăng lương và tăng lạm phát bằng cách kéo lãi suất đi lên. Còn hiện tại, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp nhích lên, các quan chức Fed báo hiệu họ sẵn sàng giảm lãi suất để tránh gây ra vòng xoáy cắt giảm việc làm, dẫu điều này có thể khiến lạm phát cao kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa.

Mở đầu cuộc họp báo tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố nếu tỷ lệ thất nghiệp gia tăng bất ngờ thì điều đó có thể thúc đẩy Fed hạ lãi suất. Ông lặp lại thông điệp này vài lần khi trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Trước khi giảm lãi suất, Fed muốn đảm bảo rằng họ đã khuất phục được lạm phát. Tuy nhiên, ông Powell lưu ý: “Sự suy yếu bất ngờ của thị trường lao động cũng có thể dẫn đến phản ứng chính sách”.

Chủ tịch Fed cho biết ông chưa nhận thấy vết nứt nào trong thị trường lao động, nhưng một số nhà kinh tế không lạc quan đến vậy. Họ chỉ ra tình trạng thất nghiệp ở một số bang đã gia tăng đáng kể, còn số giờ làm và việc làm tạm thời tiếp tục đi xuống.

Dẫu vậy, ông Powell và các đồng nghiệp hiểu rõ sức khỏe của thị trường lao động có thể nhanh chóng xấu đi. Lịch sử cho thấy một khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng thì nó sẽ tăng lên rất nhanh trong bối cảnh các doanh nghiệp liên tiếp ra thông báo sa thải.

Ông Powell có vẻ đang cố gắng ngăn chặn diễn biến trên bằng cách đưa ra khả năng Fed hạ lãi suất nếu thị trường lao động suy yếu quá mức.  

Bà Wendy Edelberg, Giám đốc Dự án Hamilton của Viện Brookings, chỉ ra: “Fed không muốn tỷ lệ thất nghiệp tạo ra được đà tăng”.

Bà nói thêm rằng ông Powell có thể để ngỏ cánh cửa giảm lãi suất vì lạm phát “đã rất gần” mục tiêu 2%. Do đó, Fed không cần giáng đòn vào thị trường lao động để kiểm soát giá cả mà thay vào đó có thể sống chung với lạm phát cao hơn mục tiêu chút đỉnh trong vài năm.

 

Ông Powell phát biểu trong cuộc họp báo: “Chúng tôi quyết tâm đưa lạm phát xuống 2% theo thời gian. Và tôi muốn nhấn mạnh vào điểm ‘theo thời gian’”.

Đây là tin tốt cho Tổng thống Joe Biden. Sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp trước trước cuộc bầu cử tháng 11 sẽ chỉ càng khiến cử tri thất vọng về cách ông điều hành nền kinh tế.

Đây cũng là tin tốt cho các nhà đầu tư. Bà Sophie Drossos, nhà kinh tế của công ty quản lý tài sản Point72, nói với Bloomberg: “Các nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương bao gồm kiểm soát giá cả và đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng.

Hiện tại giới chức ngân hàng trung ương thế giới và đặc biệt là Mỹ đang thực hiện một số biện pháp đề phòng để đảm bảo cho mục tiêu về tăng trưởng. Điều này rất có lợi cho tài sản rủi ro”.

Thị trường việc làm đang yếu đi

Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ từ mức 3,9% hồi tháng 2 lên 4% trong quý IV/2024.

Nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng, Fed cũng nhận thức được rủi ro tỷ lệ thất nghiệp “gia tăng khá nhanh” bởi một loạt các đợt sa thải. Nhưng ông Powell nói thêm rằng ông chưa thấy tình huống này diễn ra và nhấn mạnh vào số đơn xin trợ cấp thất nghiệp “rất thấp” hiện nay.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang chững lại.

Theo tính toán của ông Jonathan Pingle, nhà kinh tế trưởng của UBS Securities, tỷ lệ thất nghiệp ở 20 bang trên 50 bang của Mỹ đã tăng đủ mạnh để kích hoạt “quy tắc suy thoái Sahm”. Ông Pingle là một trong số ngày càng ít chuyên gia kinh tế vẫn dự đoán Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay.

Quy tắc này được tạo ra bởi một cựu nhà kinh tế của Fed, khẳng định rằng suy thoái xảy ra khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình động trong ba tháng của Mỹ tăng nửa điểm % hoặc hơn so với mức thấp trong 12 tháng trước đó. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là quy tắc Sahm áp dụng với toàn bộ nền kinh tế quốc gia chứ không phải mỗi bang đơn lẻ.

Xét trong bối cảnh hiện nay, quy tắc suy thoái Sahm sẽ bị kích hoạt khi tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ vượt quá 4%.

 

Dấu hiệu khác cho thấy thị trường lao động có thể sắp suy yếu là nhiều người Mỹ đang làm việc ít hơn trước. Theo dữ liệu công ty Automatic Data Processing tổng hợp, nhóm các lao động làm việc theo giờ đang dành ít thời gian cho công việc hơn giai đoạn trước đại dịch.

Bà Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng của Automatic Data Processing, thừa nhận bà chưa rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là người lao động tự nguyện làm ít đi hay các doanh nghiệp đang cắt giảm giờ làm của nhân viên. Nhưng dẫu lý do là gì, số giờ làm giảm sút cũng đồng nghĩa với việc tiền lương hàng tuần của nhiều người không theo kịp lạm phát.

Tại Washington tháng trước, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco là bà Mary Daly đánh giá nguy cơ thị trường việc làm suy yếu nghiêm trọng có vẻ rất xa vời. Nhưng bà cũng nói thêm: “Song, khi xét đến sự chuyển biến nhanh chóng của thị trường lao động trong quá khứ, chúng tôi phải để mắt đến rủi ro này”.

Giang