|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch Phạm Đức Ấn: Chính phủ cần tạm ứng 6.753 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023

15:18 | 28/12/2022
Chia sẻ
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cho biết do vốn điều lệ thấp nên theo quy định thì với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

Kiến nghị tạm ứng cấp vốn điều lệ 6.753 tỷ đồng 

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị.

Trong đó ông kiến nghị Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023.

“Do vốn điều lệ thấp nên theo quy định thì với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng vì vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

Việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để Agribank đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông”, ông Ấn nhấn mạnh.

Về gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 2% theo nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ, ông Ấn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét trình Quốc hội chuyển đổi việc hỗ trợ gián tiếp qua lãi suất vay vốn bằng chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước hoặc cơ chế giảm thuế cho các đối tượng cần được hỗ trợ.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% mặc dầu việc triển khai rất quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng kết quả còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tâm lý e ngại của chính khách hàng vay vốn.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị NHNN cần sớm xem xét áp dụng cơ chế cho phép NHTM cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng có khó khăn về dòng tiền trả nợ ngân hàng trong năm 2023.

Theo ông, trong năm 2023, khả năng trả nợ của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ nợ xấu tăng cao do những khó khăn từ các yếu tố trong nước và quốc tế đang ảnh hưởng tiêu cực ngày càng sâu hơn đối với doanh nghiệp.

Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank. (Ảnh: SBV) 

Mặt khác, hiện nay đã xuất hiện những nhóm doanh nghiệp có cấu trúc phức tạp, dùng nhiều thủ thuật để lách quy định của pháp luật về người có liên quan cũng như che dấu ngân hàng cho vay về mục đích sử dụng vốn để đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản. Đây là tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Vì vậy, theo ông Ấn, nhà nước cần có cơ chế ngăn chặn, đồng thời kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp có hệ số sử dụng vốn huy động lớn. Chính phủ cần có cơ chế để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân có hệ số sử dụng vốn huy động lớn.

“Chính phủ, các bộ ngành cần có một chương trình hỗ trợ cũng như kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến các ngành khác nhưng đồng thời cũng giải quyết triệt để bài toán đầu cơ, thổi giá bất động sản như thời gian vừa qua vừa gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở, vừa thiệt hại cho nền kinh tế trong dài hạn”, ông Ấn kiến nghị.

Ngân hàng dành gần 2.000 tỷ đồng để giảm 20% lãi suất cho vay khách hàng trong tháng 12

Về kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022, Chủ tịch Agribank cho biết dự kiến đến 31/12/2022 ngân hàng sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu chính, trong đó tổng tài sản đạt gần 1,85 triệu tỷ đồng, huy động vốn gần 1,7 triệu tỷ đồng đáp ứng cho dư nợ tín dụng 1,45 triệu tỷ với 65% dư nợ phục vụ cho “tam nông”.

Trong điều kiện khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhiều thông tin tiêu cực về các NHTMCP, ngân hàng vẫn không thay đổi chính sách cấp tín dụng cho các thành viên trên thị trường, góp phần ổn định tâm lý thị trường, đồng thời kiểm soát việc tăng lãi suất huy động vốn để tránh tạo ra cuộc đua lãi suất, nhằm có điều kiện để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn.

Agribank cũng triển khai các giải pháp để tăng nguồn thu, kiểm soát chi phí hợp lý, đặc biệt là chương trình giảm, miễn lãi cho các khách hàng có nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro để hỗ trợ và khuyến khích khách hàng trả nợ. Ngoài việc đảm bảo lợi nhuận làm cơ sở để tăng vốn điều lệ, Agribank đã áp dụng lãi suất cho vay hợp lý cho khách hàng.

Qua đó, ông Ấn cho biết trong tháng 12 ngân hàng đã dành gần 2.000 tỷ đồng để giảm 20% lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID - 19 và khách hàng theo đối tượng theo Nghị định 31.

Trong năm 2022, Agribank cũng đã triển khai thành công ngân hàng số Agribank Digital giúp khách hàng trải nghiệm sử dụng dịch vụ ngân hàng từ mở tài khoản, đến gửi tiền, rút tiền và các dịch vụ ngân hàng khác thông qua nhận diện sinh trắc học và giao dịch trực tuyến, không cần vai trò của giao dịch viên. 

Huyen Vi