Chủ tịch PAN: Tôi vẫn chưa nhìn thấy cơ hội M&A nào phù hợp
Tại ĐHĐCĐ Tập đoàn PAN chiều ngày 26/4, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho biết hiện tại ông chưa nhìn thấy cơ hội M&A nào tiềm năng.
Ông cho biết các thương vụ M&A trước đây của tập đoàn là nhằm chuẩn bị cho hệ sinh thái để đầu tư cho ngành nông nghiệp.
"Chúng tôi làm khác so với các công ty nông nghiệp còn lại. Chúng tôi xây dựng thị trường và M&A các công ty nông nghiệp tốt để về chung một tập đoàn. Nếu chúng ta dùng tiền để M&A mãi thì không tận dụng được nguồn lực. Đến bây giờ PAN vẫn đang đúng", ông nói.
Ông khẳng định, tập đoàn sẽ chỉ tập trung vào 3 mảng là nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm đóng gói. Trường hợ có công ty nông nghiệp nào phù hợp với tiêu chí của PAN thì tập đoàn sẽ quan tâm.
"Tuy nhiên từ quan tâm đến lúc hợp nhất vào tập đoàn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Liệu rằng họ có phù hợp với hệ sinh thái của tập đoàn hay không? Và mua với giá nào? Đến giờ phút này nói thật tôi chưa nhìn thấy cơ hội nào. Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường hiệu quả. Bất kỳ doanh nghiệp nào nếu được hợp nhất thì phải mang lại giá trị kinh tế, thương hiệu, nối dài chuỗi giá trị trong cơ cấu tài chính mạnh mẽ hơn thì PAN mới M&A", ông Hưng nói.
Tập đoàn PAN chính thực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2013 theo mô hình holdings. Tại thời điểm đó, vốn điều lệ là hơn 200 tỷ đồng và bắt đầu các thương vụ M&A các doanh nghiệp trong 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm đóng gói. Tính đến thời điểm hiện tại tập đoàn có 12 công ty con và liên kết, trong đó có một số công ty lớn trong ngành như Sao Ta, Vinaseed, Bibica….
Sản phẩm của Tập đoàn được phân phối rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế nhờ mạng lưới phân phối rộng khắp gồm hơn 450 nhà phân phối tới 145.000 điểm bán trên 63 tỉnh thành trong cả nước. Các mặt hàng như gạo, thủy sản, hoa tươi, điều và hạt cũng vươn tới nhiều thị trường quốc tế quan trọng (gần 40 quốc gia) bao gồm Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Hong Kong, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ…
Khi được hỏi về việc công ty sẽ tập trung vào mảng nào trong tương lai, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết sẽ tập trung cả 3 mảng.
"Tập đoàn không bỏ mảng nào vì đây đều là các mục tiêu quan trọng. Chúng tôi mong muốn biến nông nghiệp trở thành mũi nhọn của tập đoàn, vươn tầm thế giới. Chúng tôi làm tất cả để hỗ trợ cho các công ty thành viên. Mỗi công ty đều có chiến lược riêng để phát triển. Chúng tôi vẫn tăng trưởng. Thậm chí những nợ trái phiếu chúng tôi đều trả đúng hạn và không phải tái cơ cấu. Năm nay cũng đã trả cổ tức", ông Hưng nói.
Tận dụng hệ sinh thái trong tập đoàn
Giai đoạn hiện tại và trong tương lai, tập đoàn sẽ tập trung vào việc tận dụng hệ sinh thái các công ty con và liên kết. Điển hình là đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), công ty thành viên của PAN cho biết công ty đang nhìn thấy cơ hội từ sau dịch COVID-19 khi người tiêu dùng tập trung nhiều hơn vào thực phẩm sạch. Theo đó, Vinaseed sẽ kết hợp với các công ty thành viên khác như CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã: VFC) để kinh doanh giải pháp nông nghiệp sạch cho người trồng lúa từ cây trồng đến thuốc bảo vệ thực vật.
"Sau dịch bệnh, chúng tôi kinh doanh bộ giải pháp phát triển bền vững và giống chỉ nằm trong chuỗi giá trị đầu cuối đó để tối ưu lợi nhuận. Chúng tôi thay đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng với biến đổi khí hậu và phối hợp với đơn vị khác trong tập đoàn. Vinaseed đang có thị phần lớn nhất Việt Nam nên việc thực thi dễ hơn. Bắt đầu từ 2025, tất cả bước chuẩn bị sẽ được thực hiện hoá và tăng tốc", bà Liên cho biết.
Ông Trương Công Cứ - Tổng Giám đốc công ty VFC cho biết năm 2023, biến đổi khí hậu cùng xung đột chính trị, giá lương thực thực phẩm tăng cao. Bà con nông dân có lợi nhuận tốt nên đầu tư nhiều hơn cho việc trồng trọt.
"Chúng tôi tập trung vào hàng chất lượng cao, đảm bảo dư lượng trong nông sản đầu ra thấp nhất, không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bà con cũng hứng khởi đầu tư nhiều hơn", ông Cứ nói.