|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Minh Phú: 2019 tiếp tục là năm khó khăn với ngành tôm

14:23 | 13/06/2019
Chia sẻ
2019 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành tôm khi nắng nóng ảnh hưởng tới việc nuôi trồng. Cùng với đó, sản lượng tôm thế giới nhiều hơn khi nguồn cung tiếp tục tăng ở nhiều nước trên thế giới.

Tiếp tục là một năm khó khăn

Trao đổi với người viết bên lề sự kiện Diễn đàn Kinh tế Tư nhân diễn ra hồi đầu tháng 5, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, dự đoán năm 2019 vẫn còn khó khăn đối với ngành tôm do nắng nóng, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng.

Trong khi báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra ngành tôm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa thật sự thuận lợi trong năm 2019, nhưng sẽ không có biến động quá xấu.

Tại Hội nghị Thị trường thủy sản thế giới (GSMC), các chuyên gia dự báo, sản lượng tôm thế giới có thể đạt mức 3,3 triệu tấn trong năm 2019, tăng 4% so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là tăng trưởng sản lượng tích cực đến từ các nước Indonesia, Việt Nam, Ecuador... trong khi sản lượng của Ấn Độ nhiều khả năng không thay đổi. 

Sản lượng nuôi trồng tôm của Ấn Độ hiện đạt gần 739.000 tấn/năm, trong khi Việt Nam đang ở mức hơn 500.000 tấn tôm/năm.

Các dự báo hiện nay đều cho thấy nguồn cung tôm thế giới đang giữ mức tăng trưởng nhanh hơn so với nhu cầu tiêu thụ, cụ thể, sản lượng tôm thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 4,5%/năm từ đây đến năm 2022, trong khi nhu cầu tiêu thụ sẽ tôm được dự báo ở mức 4,1%/năm.

Theo số liệu thống kê dài hạn, giá bán tôm tăng gần 3% trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, BVSC cho rằng giá tôm sẽ có xu hướng giảm nhẹ trong tương lai, do ngành nuôi tôm sẽ ngày càng phát triển, kéo theo sự gia tăng liên tục về sản lượng của tôm toàn cầu. 

BVSC nhận định trong thời gian tới, giá bán sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định xu hướng nguồn cung, và động lực tăng trưởng của ngành tôm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ trên thế giới.

Mặc dù vậy, BVSC đánh giá triển vọng 2019 của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn còn tích cực, dù giá tôm nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung thế giới vẫn trên đà tăng. 

"Việt Nam cần duy trì lợi thế cạnh tranh và thương hiệu của mình, qua việc chú trọng chất lượng sản phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với thị hiếu của các thị trường", BVSC kiến nghị. 

Giá thành nuôi tôm ở Việt Nam vẫn cao

Tôm hiện là mặt hàng xuất khẩu đóng góp cao nhất vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đạt 3,55 tỉ USD, tương đương 40% trong tổng số 8,8 tỉ USD của Việt Nam trong năm 2018.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-13 lúc 12

Nguồn: VASEP

Việt Nam hiện là quốc gia nuôi trồng tôm lớn thứ 2 thế giới, xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 chiếm gần 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới.

Giá thành nuôi tôm ở Việt Nam vẫn còn cao hơn các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan... khoảng 15 - 20% chủ yếu do tỉ lệ thiệt hại khi nuôi vẫn còn lớn (công nghệ nuôi chưa phát triển, dịch bệnh, thời tiết...) và giá cả đầu vào như con giống, chi phí thức ăn cao và bị phụ thuộc.

BVSC cho biết so với giai đoạn trước phải nhập khẩu 100% con giống thì hiện nay Việt Nam đã tạo và tự chủ được khoảng 30% nguồn tôm bố mẹ. Đây vẫn là tỉ lệ khá thấp và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi chiếm tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu sản xuất và nuôi trồng tôm. 

Trong khi đó, thị trường nguyên liệu thức ăn cho tôm vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu hơn 50%, và gần 90% các nhà sản xuất thức ăn trong nước đều rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Điều này dẫn đến việc giá thức ăn bị chi phối và đẩy cao hơn khoảng 30 - 40% so với các nước trong khu vực.

BVSC cho biết trên thực tế, tôm nguyên liệu ngày càng được nhập nhiều từ Ecuador và Ấn Độ để chế biến thành các mặt hàng giá trị gia tăng và tái xuất từ Việt Nam. 



Đức Quỳnh