Chủ tịch HH Cà phê ca cao: Cần sớm có quy chuẩn cho cà phê an toàn
Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, cà phê là ngành hàng có vai trò quan trọng đối với nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp phần lớn vào sự ổn định đời sống kinh tế xã hội của các tỉnh Tây Nguyên.
Cụ thể, cà phê chiếm 30% GDP các tỉnh Tây nguyên, chiếm trên 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho trên 2 triệu người lao động có liên quan đến sản xuất, chế biến, xuất khẩu và phân phối lưu thông ở thị trường trong nước.
Phát triển cà phê cần chiến lược, định hướng lâu dài. Ảnh minh họa |
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán mất mùa, diện tích cây cà phê già đang gia tăng, nhiều cây có giá trị cao như hồ tiêu đang lấn đất, làm giảm giá trị sử dụng của cây cà phê.
Trao đổi với phóng viên VietQ về chiến lược phát triển của ngành cà phê, ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam - cho biết: “Trước hết, sẽ đẩy mạnh chương trình tái canh để giữ được diện tích trồng 630.000 ha bằng phương pháp cải tạo và trồng mới theo quy trình tái canh đã được Bộ NN PTNT hướng dẫn. Trong đó, Ngân hàng dành 12 ngàn tỉ đồng cho tái canh, ngân hàng Thế giới cho vay 98 triệu USA. Thứ hai là cải tạo hệ thống hồ nước phục vụ tưới đủ cho cà phê. Trồng cây chắn gió để giữ ẩm và cải tạo môi trường cho cà phê.
Thứ ba là áp dụng qui trình Vietgap, các chứng chỉ 4C, Rainforest, công bằng thương mại vào sán xuất; sử dụng các loại giống có năng suất cao.
Bốn là đẩy mạnh khâu thu hái cà phê chín đạt 85 - 90 % lượng quả cà phê. Mạnh dạn đầu tư vào chế biến cà phê hòa tan và rang xay bằng nguồn vốn trong nước và đầu tư ở nước ngoài. Hai năm nay chúng ta đã xuất khẩu cà phê rang xay và hoà tan đạt gần 300 triệu USA. Giá trị gia tăng của cà phê nằm ở khâu này. Đẩy công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước gắn liền với xây dựng và quảng bá thương hiệu”.
Bên cạnh đó, trao đổi với PV về tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp lớn trộn đậu nành vào cà phê, hay quy trình sản xuất ra cà phê không đảm bảo, ông Lương Văn Tự phân tích: “Để có được cà phê an toàn cho người uống, trước hết chúng ta phải có quy chuẩn cà phê rang xay và hoa tan. Hiệp hội đã kiến nghị với các Bộ ngành có liên quan từ 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thứ hai, ngoài việc phát hiện bắt giữ những nhà sản xuất cafe không an toàn (cà phê bẩn), thì chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền sản phẩm nào là an toàn và địa chỉ cụ thể để giúp người tiêu dùng tìm mua. Thứ ba là các cơ quan quản lý như Cục An Toàn Thực Phẩm, cục Quản lý thị trường, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Một là xây dựng và bổ sung các văn bản pháp lý còn thiếu. Hai là kiểm tra kiểm soát khâu sản xuất, chế biến lưu thông phân phối.
Về phía hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, ông Tự cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Chính Phủ sớm ban hành quy chuẩn cà phê rang xay và hoà tan để có cơ sở đối chiếu đâu là cà phê an toàn, sau đó sẽ lần lượt công bố trên trang web các cơ sở sản xuất và địa chỉ bán cà phê an toàn của hội viên.
Ông Tư cũng thông tin thêm, Chính phủ vừa có văn bản lấy ngày 10/12 (ngày Bác Hồ về thăm nông trường cà phê Đông Hiếu 10/12/1961) là Ngày Cà phê Việt Nam.
Theo Ninh Lan