Chủ sở hữu tiền ảo ở Trung Quốc nháo nhào tìm cách bảo vệ tài sản sau lệnh cấm của PBoC
Dân chơi tiền ảo đứng ngồi không yên
Các chủ sở hữu tiền ảo ở Trung Quốc và Hong Kong đang hối hả tìm cách bảo vệ khối tài sản sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố một tài liệu mới, nêu rõ những biện pháp cứng rắn hơn đối với tiền ảo.
Trong phiên giao dịch ngày 24/9, giá bitcoin có thời điểm mất tới 6% và ethereum sụt 10% khi thị trường bị bán tháo trên quy mô lớn. Vào khoảng 17h ngày 25/9 (theo giờ Việt Nam), giá bitcoin và ethereum đều đã phục hồi.
Chia sẻ với CNBC, ông David Lesperance, một luật sư chuyên hỗ trợ khách hàng chuyển tiền ảo ra nước ngoài để tránh thuế, cho hay: "Chưa đầy hai tiếng sau khi PBoC đưa ra thông báo mới, tôi đã nhận được hơn chục tin nhắn, email, điện thoại,.. từ những dân chơi tiền ảo ở Trung Quốc".
"Họ đang tìm kiếm giải pháp để truy cập và bảo vệ khối tài sản đang nằm trên các sàn giao dịch nước ngoài và ví lạnh", ông Lesperance nói thêm. Theo vị luật sư, động thái mới của PBoC là một nỗ lực để Bắc Kinh đóng băng các tài sản kỹ thuật số, khiến chủ sở hữu không thể đường đường chính chính động vào chúng.
"Ngoài việc ngăn cản nhà đầu tư trong nước giao dịch với một tài sản cực kỳ biến động như tiền ảo, tôi e rằng chính phủ Trung Quốc còn đang muốn dọn đường để buộc chủ sở hữu chuyển đổi từ tiền ảo sang đồng nhân dân tệ kỹ thuật số với giá thị trường cố định", ông Lesperance cho hay.
"Từ lâu, tôi đã cho rằng Bắc Kinh đang dẹp bớt đối thủ cạnh tranh của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sắp ra mắt", ông Lesperance nhấn mạnh.
Cuối ngày 24/9, trên website, PBoC cho biết tất cả giao dịch liên quan tới tiền ảo ở Trung Quốc đều bất hợp pháp, kể cả những dịch vụ do các sàn giao dịch nước ngoài cung cấp. Các dịch vụ giao dịch, khớp lệnh, phát hành mã tiền ảo,…đều bị nghiêm cấm.
Chỉ thị mới của ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến các nền tảng chưa đăng ký (OTC) như OKEx, một sàn giao dịch cho phép nhà đầu tư tại đất nước tỷ dân đổi đồng nội tệ lấy mã tiền ảo, CNBC ví dụ.
Luật sư Lesperance cho biết thêm rằng một số khách hàng cũng đang lo lắng về sự an nguy của họ.
"Một số người lo sợ về tương lai của chính mình, vì có thể chính phủ Trung Quốc đã nắm rõ các giao dịch tiền ảo trước đó của họ. Hơn nữa, khách hàng của tôi cũng không muốn trở thành Jack Ma thứ hai", ông Lesperance giải thích.
Bắc Kinh phối hợp để tổng tấn công tiền ảo?
Năm 2013, Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba ngừng sử dụng bitcoin. Sau đó, giới chức Bắc Kinh nghiêm cấm việc buôn bán tiền ảo vào năm 2017 và cam kết sẽ tiếp tục nhắm tới các sàn giao dịch tiền ảo vào năm 2019.
Đầu năm nay, chính quyền ông Tập Cận Bình chuyển sang trấn áp hoạt động khai thác tiền ảo, khiến một nửa mạng lưới đào bitcoin trên toàn cầu phải ngừng vận hành trong nhiều tháng.
"Tài liệu của PBoC không phải mới, cũng không phải thay đổi chính sách gì", ông Boaz Sobrado, một nhà phân tích dữ liệu fintech tại London, nhận xét.
Tuy nhiên, lần này các thông báo của Bắc Kinh về thị trường tiền ảo có liên quan đến 10 cơ quan, đặc biệt có Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an và Cơ quan Quản lý Ngoại hối Quốc gia.
Hơn nữa, có một số dấu hiệu chứng tỏ chính phủ Trung Quốc đang phối hợp hành động. Tài liệu của PBoC lần đầu được công bố vào ngày 15/9, và một văn bản cấm tất cả hoạt động khai thác tiền ảo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia được phát hành vào ngày 3/9. Cả hai đều được đăng tải trên các nền tảng chính thức của Bắc Kinh vào ngày 24/9.
Ngoài ra, khác với các tuyên bố trước đây của chính phủ về tiền ảo, vốn được trình bày theo văn phong chung chung, các văn bản lần này đề cập cụ thể tên bitcoin, ethereum và tether.
CEO Mark Peikin của hãng đầu tư Bespoke Growth Partners cho rằng, đây là khởi đầu của một chiến lược gây áp lực trên diện rộng và trong ngắn hạn đối với giá bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác.
Đồng thời, ông Peikin còn nhận định rằng "những rủi ro mà nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, có thể ngay lập tức gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường tiền ảo tại Mỹ".
"Các nhà đầu tư Trung Quốc từng phớt lờ các động thái của Bắc Kinh thời gian qua không thể dửng dưng thêm nữa", ông Peikin chia sẻ với CNBC.
"Cho đến nay, phần lớn dân chơi tiền ảo ở Trung Quốc đã lách lệnh cấm bằng cách tách giao dịch, tức là sử dụng các nền tảng OTC trong nước hoặc gần đây là các nền tảng nước ngoài, để đạt thỏa thuận về giá thương mại, và sau đó thanh toán bằng nhân dân tệ qua ngân hàng hoặc nền tảng fintech", CEO của Bespoke cho hay.
Song, do năng lực giám sát giao dịch tiền ảo của PBoC ngày càng cải thiện và việc các công ty fintech được lệnh không cung cấp các dịch vụ tiền ảo hồi đầu năm, ông Peikin cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang bị đẩy vào ngõ cụt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/