Từ Trung Quốc, thợ đào bitcoin lặn lội đường xa tìm miền đất hứa
Mối đe dọa dần hiện hữu
Hồi cuối tháng 6 năm nay, hàng trăm thợ đào bitcoin đã tập trung về một khách sạn sang trọng ở khu vực phía tây Trung Quốc để tìm hướng tháo gỡ một bài toán khó.
Chỉ vài tuần trước, Bắc Kinh đã cấm đào bitcoin do lo ngại hoạt động khai thác than bất hợp pháp cũng như một số rủi ro tài chính tiềm tàng. Bây giờ, các thợ đào bitcoin phải tìm một chân trời mới, sau đó nghĩ cách chuyển hàng triệu "trâu cày" rời đất nước tỷ dân.
Nhân viên của Bitman Technologies, hãng sản xuất thiết bị đào bitcoin lớn nhất thế giới, đề nghị trở thành người trung gian kết nối thợ đào tại Trung Quốc với các trung tâm dữ liệu tại Mỹ, Trung Á và châu Âu. Họ cũng cảnh báo rằng chi phí có thể tăng nóng nếu nếu thợ đào ồ ạt đổ xô tới các thị trường mới, chưa được kiểm chứng.
Chỉ vài giờ sau cuộc họp, tình hình ngày càng trở nên cấp bách. Khi đang hát karaoke cùng đồng nghiệp, Alex, một thợ đào bitcoin người Trung Quốc, đã gọi điện về kiểm tra dàn trâu cày của mình ở ngoại thành Thành Đô. Đồng nghiệp cho biết, chính quyền địa phương vừa cắt điện tới mỏ đào bitcoin của Alex, khiến toàn khu vực im lìm.
"Tiền bạc của tôi tiêu tan. Mỗi ngày, tôi lỗ nặng khi không thể chạy dàn trâu cày bitcoin", Alex chia sẻ với Bloomberg.
Hiện tại, các thợ đào bitcoin ở nền kinh tế tỷ dân đang hối hả ngược xuôi tìm kiếm những khu vực có nguồn điện rẻ và ổn định. Các điểm đến mới của họ được dự đoán là sẽ tạo ra tác động lớn tới ngành công nghiệp bitcoin, cũng như các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng khác.
Giá điện phải thật rẻ
Một mỏ đào bitcoin được tạo thành từ hàng nghìn máy tính, có chức năng đặc biệt để giải các phép toán nhằm tạo ra các đồng tiền mới cho mục đích lưu thông. Các máy tính này được xếp chồng lên nhau trên kệ trong các nhà kho, xung quanh thường gắn thêm các quạt tản nhiệt lớn.
Tại Trung Quốc, các nhà kho bitcoin thường nằm gần nguồn điện, chẳng hạn như các trạm thủy điện hoặc nhà máy nhiệt điện than gần các mỏ than. Theo CEO Tyler Page của Cipher Mining Technologies, tiền điện thường chiếm khoảng 80% chi phí vận hành của một mỏ đào bitcoin.
Để có lợi nhuận, các thợ đào bitcoin cần phải hoạt động ở những khu vực có giá điện thấp, vì khai thác tiền ảo tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Tứ Xuyên, Nội Mông và khu tự trị Tân Cương ở Trung Quốc là một số địa phương có giá điện cực kỳ rẻ. Song, điện giá rẻ thường được sản xuất từ các nhiên liệu hóa thạch bẩn như than đá.
Kazakhstan, nước láng giềng của Trung Quốc, cũng là một điểm đến hàng đầu của thợ đào vì giá điện rẻ bèo. Kazakhstan có công suất điện hơn 22 gigawatt, chủ yếu từ các nhà máy điện than và khí đốt.
Ông Dmitriy Ivanov, giám đốc bán hàng tại công ty hỗ trợ khai thác bitcoin Enegix (trụ sở tại thành phố Almaty, Kazakhstan), cho biết giá điện ở đất nước Trung Á rất thấp, chỉ khoảng 3 cent/kWh (1 USD = 100 cent).
Hơn nữa, Kazakhstan cũng khá mát mẻ, các mỏ đào bitcoin không cần bố trí thêm quạt tản nhiệt để làm mát các trây cày, mức tiêu thụ điện năng nhờ đó có thể giảm thêm 30% so với thông thường.
Từ tháng 6, ông Ivanov đã bắt đầu nhận được tin nhắn từ các thợ đào bitcoin ở Tứ Xuyên và Nội Mông để tìm kiếm chỗ dừng chân mới sau cuộc trấn áp tiền ảo của Bắc Kinh. "Chúng tôi sắp được hưởng lợi từ chính sách của Trung Quốc...", ông Ivanov nhấn mạnh.
Theo Bloomberg, các khách hàng của Enegix sẽ sớm vận chuyển khoảng 10.000 máy tính đến Kazakhstan bằng máy bay. Dù vận chuyển bằng đường bộ từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn, nhưng các xe tải có thể bị giữ lại tại biên giới hàng tuần liền. Giới thợ đào có thể tranh thủ khai thác bitcoin mới để bù đắp chi phí đi máy bay.
Ông Didar Bekbauov, chủ một công ty dịch vụ đào bitcoin khác ở Almaty, cũng đang bị quá tải tin nhắn từ các thợ đào. "Rất nhiều người Trung Quốc liên hệ với chúng tôi và yêu cầu giúp đỡ để di dời thiết bị. Họ nhờ mọi người quen ở Kazakhstan tìm chỗ có giá điện rẻ", ông Bekbauov nói thêm.
Song, tiềm năng của Kazakhstan cũng có giới hạn. Trong 20 năm qua, công suất điện của nước này chỉ tăng thêm được hơn 3 gigawatt, theo BloombergNEF. Tức là, các thợ đào Trung Quốc vẫn phải tìm thêm điểm dừng chân khác.
Cân nhắc tới nguồn điện tái tạo
Đối với một số thợ đào bitcoin khác, quyết định rời khỏi đất nước tỷ dân cũng là cơ hội để "làm sạch" nguồn cung cấp điện cho các dự án của họ.
Nhìn chung, các nhà khoa học rất khó xác định hoạt động khai thác bitcoin gây ô nhiễm môi trường như thế nào, nhưng điểm này có thể phản ánh phần nào qua các nguồn cấp năng lượng của mỏ đào bitcoin.
Đầu năm nay, hàng chục nghìn trâu cày ở một tỉnh tại miền tây Trung Quốc đã tiêu thụ khoảng 45 triệu kWh điện năng mỗi tháng, tương đương tiêu tốn 15.000 tấn than để sản xuất điện, Xinhua đưa tin.
Ước tính, lượng điện năng mà các cơ sở đào bitcoin trên toàn cầu tiêu thụ tương đương với sức dùng điện của Bangladesh, quốc gia có hơn 160 triệu dân. Chỉ một phần trong đó là điện tái tạo, còn phần lớn điện năng mà thế giới vẫn tiêu thụ đến từ nhiên liệu hóa thạch.
Đầu năm nay, Elon Musk tuyên bố Tesla sẽ không chấp nhận thanh toán bằng bitcoin vì lo ngại lượng khí thải nhà kính khi khai thác đồng tiền ảo này. Một liên minh các doanh nghiệp đã khởi động Hiệp ước Khí hậu về Tiền ảo để làm dịu chỉ trích của công chúng và giúp ngành tiền ảo hướng đến việc sử dụng 100% điện tái tạo.
Các nguồn năng lượng xanh như gió và nắng đôi khi có thể rất dồi dào, nhưng nhu cầu tiêu thụ điện tái tạo dự kiến sẽ tăng mạnh khi thế giới tiến vào thời kỳ điện khí hóa.
Khu vực Bắc Âu, từ lâu đã là một điểm khai thác bitcoin có tiếng vì công suất thủy điện lớn, đã bắt đầu cạn kiệt nguồn điện dư thừa vào đầu năm nay khi các nhà máy công nghiệp tăng cường sản xuất và đẩy mạnh sử dụng điện tái tạo.
E ngại về quy định
Hơn nữa, các thợ đào bitcoin cũng muốn được trấn an rằng pháp luật vẫn công nhận hoạt động của họ, Bloomberg cho biết thêm.
Bit Digital, một công ty khai thác tiền ảo niêm yết trên sàn Nasdaq, đã bắt đầu chuyển một phần trong hơn 30.000 trâu cày từ Trung Quốc sang Bắc Mỹ vào tháng 10 năm ngoái. Tại thời điểm Bắc Kinh trấn áp ngành tiền ảo, Bit Digital vẫn có thể tiếp tục khai thác mà ít bị gián đoạn.
Dù vậy, ngay cả ở Mỹ thì giữa các bang vẫn có sự khác biệt về quy định. Cipher Mining Technologies đang nỗ lực tăng công suất tại Texas và Ohio, lần lượt là bang duy nhất tại Mỹ không kiểm soát lưới điện và là tiểu bang có giá điện rất rẻ.
Trong khi đó, các bang như New York không phải là điểm đến hấp dẫn bằng vì các nhà lập pháp tại đây đã đề xuất một dự luật nhằm hạn chế việc khai thác tiền ảo trong phạm vi bang.
Bit Digital đang cân nhắc xây dựng cơ sở khác bên ngoài Bắc Mỹ, nhưng các quy định của chính quyền địa phương và tính ổn định của địa điểm mới là một mối quan tâm lớn.
Tổng thống El Salvador tháng trước thông báo đất nước Trung Mỹ đã chấp nhận bitcoin như một đồng tiền hợp pháp và chỉ thị công ty điện địa nhiệt của nhà nước đưa ra kế hoạch đào bitcoin bằng núi lửa.
Dù các giám đốc của Bit Digital đã bay đến El Salvador để họp cùng lãnh đạo nước này, họ vẫn muốn chờ đợi thông tin chắc chắn và cụ thể trước khi bắt đầu kế hoạch.