Chủ quán karaoke mong ngóng ngày mở cửa trở lại, đề xuất được tháo gỡ khó khăn
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký văn bản số 934/UBND-KSTTHC gửi Sở Văn hoá và Thể thao cùng UBND các quận, huyện về việc tiếp tục thực hiện các thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.
Theo đó, các quán karaoke ở Hà Nội sẽ được mở cửa đón khách trở lại nếu khắc phục, đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC) để được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ. Đây được cho là một trong những động thái ban đầu cho phép cơ sở karaoke trên địa bàn hoạt động trở lại sau gần 6 tháng đóng cửa.
Trước thông tin này, chị Ngọc Thảo, chủ cơ sở karaoke tại quận Thanh Xuân cho biết, chị cùng nhiều chủ quán khác tỏ ra khá thận trọng trước động thái mới của chính quyền TP.Hà Nội.
Theo chị, trước sự đan xen giữa những tiêu chuẩn và quy định cũ - mới, tuỳ cơ sở sẽ phải trải qua các công đoạn từ kiểm tra, kiểm duyệt thiết kế, thanh tra đến nghiệm thu, làm thủ tục… khá phức tạp. “Tôi đang mong mỏi từng ngày để được hoạt động trở lại, nhưng có lẽ phải trở thêm một thời gian dài”, chị chia sẻ.
Chung quan điểm với chị Thảo, chị Diệp (nhân vật đã được đổi tên theo yêu cầu), chủ quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy cho hay, quán của chị đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm hoạt động trở lại. Thời gian qua, nhiều quán khác vì không có nguồn thu để trang trải phí thuê nhà, cộng thêm chi phí thuê nhân viên và khấu hao tài sản… nên cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Trong đợt kiểm tra liên ngành lần đầu vào tháng 9/2022, khi được kết luận có những điểm chưa đạt yêu cầu, chị Diệp đã sửa chữa, khắc phục và sớm gửi đơn lên UBND quận để xin kiểm tra lại. Tuy nhiên, đến nay dù sửa chữa 4 lần, đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng chủ cơ sở này vẫn bị yêu cầu sửa thêm nhiều lỗi không đồng nhất.
Chị Diệp cho rằng, việc chính quyền ban hành nhiều văn bản, quy định mới khiến các chủ quán như chị khó nắm bắt. “Dẫu biết thành phố sẽ cho các cơ sở đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, nhưng phải làm gì để đáp ứng đủ điều kiện lại là chuyện rất khó. Cũng không biết nếu tiếp tục đầu tư sửa chữa thêm thì sau này quán có thể hoạt động hiệu quả, lâu dài và thu được vốn hay không”, chị thổ lộ.
Trước đó, ngày 9/4, nhiều chủ đầu tư quán karaoke tại Hà Nội và các địa phương khác như TP.HCM, Thanh Hoá, Hải Phòng… đã cùng ký vào đơn kiến nghị gửi các cấp sau việc thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke.
Theo ông Trần Xuân Dũng, đại diện cho các cơ sở kinh doanh karaoke ở TP HCM, tại địa phương này hiện có hơn 400 cơ sở kinh doanh karaoke bị đóng cửa. Việc không thể hoạt động trong thời gian dài khiến ông và nhiều chủ quán khác gặp nhiều khó khăn, đối mặt với nguy cơ phá sản.
“Tôi đầu tư cho 4 cơ sở với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, lại phải chịu nhiều chi phí khác như tiền thuê mặt bằng lên đến 500 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhân viên và trả lãi suất ngân hàng… mà không biết bao giờ mới lấy lại vốn”, ông nói.
Ông Trần Xuân Dũng hy vọng cơ quan chức năng sẽ có biện pháp để sớm giải quyết tình trạng này, bởi tại thời điểm đăng ký kinh doanh, các cơ sở đã được cấp phép. Việc áp dụng những quy định mới đối với các quán đã được cấp phép trước đó sẽ gây nhiều khó khăn trong việc thẩm duyệt lại vấn đề PCCC.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/4, Công an TP.HCM đã có văn bản về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH).
Cụ thể, đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh.
Ngoài ra, không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, bảo đảm theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, doanh nghiệp và vẫn đảm bảo theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC.