|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ quán karaoke phải bán nhà đi ở trọ để bù lỗ: Sẽ phá sản nếu không được hoạt động trở lại

15:18 | 20/02/2023
Chia sẻ
Nhiều chủ quán karaoke tại TP Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn khi không có nguồn thu trong thời gian dài.

Tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại TP Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và đơn vị liên quan về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.

Theo nhiều chủ quán, họ đang đối mặt với nguy cơ phá sản vì không đủ tài chính duy trì, sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các quy định liên quanphòng cháy chữa cháy.

Bán nhà, vay nợ ngân hàng

Là người phải cầm cố tài sản và vay mượn để có tiền duy trì quán, chị Lan (nhân vật đã được đổi tên theo yêu cầu), chủ một cơ sở karaoke tại địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, quán của chị có nguy cơ phá sản nếu không sớm được hoạt động trở lại. Vì khó khăn, cuộc sống của chị cũng đang có nhiều đảo lộn.

Theo chị Lan, năm 2016, sau vụ cháy karaoke ở địa chỉ 16 Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng, trung bình các quán mất hơn một năm để nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo yêu cầu. Tuy nhiên, chưa hoạt động được bao lâu thì dịch COVID-19 xuất hiện, cùng với đó là một số vụ hỏa hoạn khác, buộc các cơ sở kinh doanh phải liên tiếp đóng cửa trong thời gian dài. 

Một cơ sở kinh doanh đóng cửa suốt gần 5 tháng qua. (Ảnh: Diễm Ly)

Trong đợt kiểm tra liên ngành lần đầu vào tháng 9/2022, khi được kết luận có những điểm chưa đạt yêu cầu, chị đã đầu tư, sửa chữa ngay và gửi đơn lên quận để xin kiểm tra lại. Thế nhưng, trong 4 lần kiểm tra tiếp theo, chủ cơ sở này vẫn bị yêu cầu sửa thêm nhiều lỗi không đồng nhất.

Thời gian qua, chi phí dành cho việc nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy của quán lên đến tiền tỷ, riêng tiền thuê nhân viên dọn dẹp cũng rất tốn kém. Hiện tại, chủ cơ sở này khá hoang mang, không biết rằng nếu tiếp tục sửa, liệu có đạt yêu cầu hay không. 

“Bản thân tôi vốn có nhà để ở cùng hai con gái, nhưng vì quá khó khăn, nay ba mẹ con phải bán nhà, ra ngoài thuê trọ để có tiền bù lỗ. Không riêng cơ sở của tôi, nhiều quán khác cũng đang cố ‘gồng’ đủ loại chi phí, từ phí thuê mặt bằng, nhân viên đến tiền điện…”, chị chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Đăng Sỹ, chủ cơ sở Idol Karaoke (đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) cho hay, sau vài lần sửa chữa nhưng vẫn chưa thể hoạt động trở lại, anh quyết định chưa sửa tiếp vì không biết làm thế nào cho đúng. 

Chủ quán Idol Karaoke cho biết thêm, mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh khoảng 300-500 triệu đồng. Với hàng nghìn phòng hát trên địa bàn, tổng chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên và tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng thuê ban đầu... Nếu phải đóng cửa lâu sẽ gây lãng phí lớn, các quán cũng gặp nhiều khó khăn.

“Tôi đang đối diện với nguy cơ phá sản khi các nguồn tài chính cạn kiệt, nay còn chưa biết trả nợ ngân hàng ra sao. Vì vậy, dù muốn chuyển hướng kinh doanh nhưng do không có vốn, tôi cũng đành ngậm ngùi”, anh chia sẻ. 

Gần 5 tháng qua, anh Nguyễn Đăng Sỹ phải tháo dỡ hầu hết thiết bị âm thanh, ánh sáng… trong phòng hát để tránh hư hại, cũng như tránh mất an toàn cháy nổ. Theo anh, cách làm này còn phòng trường hợp nhân viên tự ý cho quán hoạt động 'chui', khi chủ cơ sở không thể liên tục có mặt trông nom.

Kỳ vọng sớm có hướng dẫn chi tiết

Theo tìm hiểu của người viết, từ ngày 8/10/2022, sau khi lực lượng quản lý về phòng cháy chữa cháy các quận, huyện tại TP Hà Nội kiểm tra toàn bộ cơ sở kinh doanh karaoke theo chỉ đạo của Bộ Công an, tất cả các cơ sở đều bị tạm dừng hoạt động, tạm đình chỉ do không đảm bảo an toàn vềphòng cháy chữa cháy.

Từ đó đến nay, sau mỗi đợt kiểm tra, nhiều quán đã cố gắng đầu tư, khắc phục. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số chủ cơ sở, dù họ sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không thể hoạt động do chưa đạt yêu cầu.

Chị Mai Anh, đại diện một hộ kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Hoàng Mai, cho hay, thời điểm hiện tại, chị và nhiều chủ quán khác rất cần những hướng dẫn cụ thể, chi tiết của lực lượng chức năng để sớm có phương hướng vực dậy quán. 

Trước những phản ánh trên, Đại tá Phạm Trung HiếuTrưởng Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an TP Hà Nội) trả lời VTC News cho hay, đơn vị đã phân công công an 30 quận, huyện, thị xã giải thích cho các hộ kinh doanh trên địa bàn, không để người dân bức xúc.

“Các doanh nghiệp kinh doanh karaoke sẽ được cấp phép mới trong thời gian tới, những địa điểm mới mở nếu đảm bảo cũng sẽ được cấp phép”, Đại tá Phạm Trung Hiếu thông tin. Trong quá trình kiểm tra, rà soát lại, những cơ sở không có khả năng khắc phục sẽ phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc chuyển đến địa điểm khác.

Hiện, TP Hà Nội có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ. Trong đóhơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không đăng ký kinh doanh… sẽ phải tự giải thể. Trong hơn1.000 cơ sở còn lại, có 600 địa điểm chưa được cấp đầy đủ các giấy tờ về PCCC, an ninh trật tự và văn hoá…cũng phải củng cố, hoàn thiện

Diễm Ly

Chuyên gia gợi ý chiến lược lựa chọn cổ phiếu giai đoạn 6 tháng cuối 2024
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam và bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đồng thuận thị trường có xu hướng tăng điểm trong 6 tháng cuối năm, và chiến lược nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến nghị. Các nhóm ngành cần chú ý kể đến ngân hàng, chứng khoán, các nhóm neo theo hồi phục kinh tế hay tăng trưởng dài hạn…