Chủ hộ kinh doanh sợ là doanh nghiệp
“Tôi không muốn bị coi là doanh nghiệp”. Một chủ hộ kinh doanh thẳng thắn lý giải vì sao không ủng hộ cả phương án đưa các nội dung liên quan đến hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng như phương án xây dựng văn bản luật riêng cho hình thức kinh doanh nói trên.
Vị này, cũng như nhiều chủ hộ kinh doanh khác thực sự không mấy quan tâm đến những tranh luận căng thẳng của các đại biểu Quốc hội về việc phải xác lập địa vị pháp lý, định danh loại hình kinh doanh này làm cơ sở cho hệ thống chính sách hỗ trợ, để hộ kinh doanh thực sự trở thành một đối tác làm ăn minh bạch, an toàn trên thị trường...
Điều duy nhất họ quan tâm là được yên ổn làm ăn. Nhiều chủ hộ kinh doanh tiết lộ, họ chủ đích đăng ký là hộ kinh doanh, thay vì các loại hình công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp để né tránh tối đa các thủ tục hành chính, quy định về thanh tra, kiểm tra cũng như những khoản chi phí tuân thủ rất khó tính đếm... mà mô hình công ty không thể né được.
Nhưng, đây không chỉ là lo ngại của hộ kinh doanh.
Tại Hội nghị trực tuyến Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid -19 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào chiều 26/5 vừa rồi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn coi cải cách thủ tục hành chính, xử lý xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như đổi mới cách thức làm việc của đội ngũ công chức là kiến nghị được nhắc đến đầu tiên khi hiến kế với Chính phủ, nhưng cũng là kiến nghị khó thực thi nhất trên thực tế.
Trong đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid -19, điểm yếu vẫn là dù được đưa ra rất sớm, nhưng đã không tới được nhiều doanh nghiệp một cách kịp thời do thủ tục phức tạp.
Hơn thế, nhiều doanh nghiệp phản ánh họ vẫn nhận được các yêu cầu thanh tra, kiểm tra cho dù Chính phủ yêu cầu không thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ (trừ trường hợp đặc biệt) trong giai đoạn này…
Điều đáng nói, trong bối cảnh thủ tục hành chính phức tạp, quy định chồng chéo, ngay cả cơ quản lý nhà nước, công chức nhà nước dù có trách nhiệm và mong muốn cũng không dễ dàng hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn.
Thực tế, nhiều công chức đã nói, nếu thực hiện linh hoạt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thì họ có nguy cơ vi phạm quy định; nhưng nếu thực hiện đúng quy định thì quy trình trở nên rất rắc rối, kéo dài và thậm chí không thể thực hiện được.
Vấn đề là tình trạng này đã kéo dài khá lâu, dù đã được cải thiện nhiều, khiến tiềm thức của người dân về môi trường kinh doanh vẫn chứa đựng nhiều bất an.
Hệ quả là, cho dù loại hình hộ kinh doanh hiện tại đang có nhiều giới hạn, không thể làm ăn lớn một cách đàng hoàng, thậm chí “vô hình” trước các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ… nhưng nhiều chủ hộ kinh doanh vẫn chọn.
Thậm chí, không ít chuyên gia kinh tế ủng hộ lựa chọn này vì lo ngại việc luật hóa loại hình hộ kinh doanh sẽ đặt các hoạt động kinh doanh đơn giản của người dân vào ma trận thủ tục, chi phí… Đây cũng là lý do doanh nghiệp Việt không muốn lớn, không dám lớn…
Ở góc độ này, có lẽ các cuộc thảo luận về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh cũng như các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh trên nghị trường cần phải đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang có nhiều rào cản, tư duy quản lý nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, của xu thế.
Bên cạnh đó, trong các cuộc thảo luận, góp ý kiến cho Dự thảo Luật Doanh nghiệp, Dự thảo Luật Đầu tư…, những kiến nghị bổ sung thêm ngành nghề vào danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện mà không giải trình, đánh giá tác động tới doanh nghiệp, nhà đầu tư… vẫn còn.
Rõ ràng, người kinh doanh đang cần thấy nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn, hiệu quả và thực tế hơn nữa. Khi đó, dù chọn loại hình kinh doanh nào, thì người kinh doanh cũng sẽ đặt mục tiêu làm ăn đàng hoàng, minh bạch và làm ăn lớn hơn.