|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chờ lãi suất cho vay giảm, đâu là những yếu tố quyết định?

08:26 | 06/06/2023
Chia sẻ
Lãi suất huy động giảm nhanh góp phần giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay cần phải có sự trợ lực từ nhiều yếu tố.

Lãi vay rục rịch giảm

Nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6. 

Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãi suất cơ sở cho vay đối với khách hàng cá nhân giảm 0,3%/năm so với thời điểm trước đó, về mức 11,2%/năm kể từ ngày 20/5. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng ra thông báo giảm từ 0,2 - 1% lãi suất khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất đối với các khoản cho vay hiện hữu,...

Ngoài hai ngân hàng kể trên, nhóm "ông lớn" Big4 và một số ngân hàng cổ phần khác cũng đã phát đithông báo điều chỉnh giảm từ 0,3-3 điểm % lãi suất cho vay như MSB, ACB,...

Theo số liệu được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà chia sẻ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023: "Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng đã giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022 và lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới đã giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022".

"Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới", Phó Thống đốc nhận định.

Nguồn: SSI.

Có thể thấy, lãi suất huy động hạ nhiệt nhanh chóng đã góp phần kéo giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên các chính sách về lãi suất điều hành luôn có độ trễ nhất định.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, khi NHNN tăng lãi suất vào tháng 10 năm ngoái, mất khoảng 6 tháng tác động đến này kinh tế. Như vậy, với những chính sách được đưa ra từ tháng 3 đến tháng 5, dự báo khoảng cuối quý III mặt bằng lãi suất mới giảm rõ rệt.  

Ông Tuấn cũng cho rằng không phải cứ huy động với lãi suất thấp thì lãi suất cho vay sẽ thấp. Và không phải lãi suất cho vay thấp thì có thể cho vay tất cả các thành phần trong nền kinh tế. Bởi khi cho vay, ngân hàng quan tâm nhất đến yếu tố rủi ro của khoản vay.

Điều gì sẽ quyết định tới việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng?

Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup, dù lãi suất chính sách có điều kiện để giảm, nhưng muốn giảm lãi suất đầu ra vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và lãi suất của hệ thống ngân hàng phụ thuộc vào thanh khoản của hệ thống.

"Tổng tín dụng vẫn đang vượt tổng huy động. Nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm sẽ làm tăng chênh lệch giữa tín dụng và huy động, khi đó ngân hàng cho vay nhiều hơn đi vay. Thanh khoản ngắn hạn thì dư thừa, nhưng thanh khoản trung và dài hạn vẫn có thể xảy ra biến động thanh khoản, làm cho hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng giảm mạnh lãi suất huy động", ông Báu phân tích.

Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng nợ xấu hệ thống ngân hàng cũng là một lý do khác khiến lãi suất đầu ra chưa thể giảm nhanh.

Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup. (Ảnh: DNVN).

"Hiện dư địa giảm lãi suất lên đến 1-1,5%, lãi suất chính sách có thể về vùng khoảng 4-4,25%, do tỷ giá, lạm phát, thanh khoản ngắn hạn đang ủng hộ. Tuy nhiên, thanh khoản trung và dài hạn, sức khỏe của hệ thống ngân hàng không cho phép giảm nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay", ông nhấn mạnh.  

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khi lãi suất điều hành giảm thì các ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiết kiệm, chi phí vốn rẻ sẽ kéo theo việc giảm lãi suất cho vay đầu ra với các doanh nghiệp. Tuy nhiên việc giảm lãi vay sẽ có độ trễ hơn và cũng đang diễn ra.

"Ngân hàng nào có vòng quay huy động ngắn thì sẽ có khả năng giảm lãi vay ngay, nếu có vòng quay huy động dài mà giảm lãi suất vay ngay thì họ sẽ bị lỗ mất", ông Tuấn nói.

Trên thực tế, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trong thời điểm hiện tại cũng chịu tác động lớn từ phía nhà điều hành chính sách.

Ngay sau khi quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm, NHNN đã liên tục họp với các ngân hàng và các bộ ban ngành có liên quan để "thực thi" việc giảm lãi suất. Mức giảm lãi suất được các ngân hàng đưa ra là khoảng 0,3-0,5% với các khách hàng hiện hữu.

Cho biết tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Ngoài những yếu tố được nói đến ở trên, việc giảm lãi suất cho vay cũng không thể cào bằng ở các lĩnh vực khác nhau, có mức độ rủi ro khác nhau.

Thông thường, lãi suất cho vay sẽ được giảm nhiều hơn đối với các khách hàng có điểm tín dụng tốt và giảm ít hơn đối với các khách hàng hoặc lĩnh vực có rủi ro cao hơn như liên quan tới các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Theo CTCP Chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã giảm tới 2,5-3 điểm % so với đầu năm và nếu nhu cầu tín dụng chưa thể hồi phục trong thời gian tới, lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm thêm 0,5% đến 1% từ nay đến cuối năm.

Với lãi suất vay mua nhà hiện tại dao động quanh khoảng 13%, công ty chứng khoán cho rằng có thể cần phải cắt giảm thêm lãi suất này từ 1,5 - 2 điểm % mới có thể kích thích được nhu cầu trên thị trường bất động sản và điều này rất có thể sẽ xảy ra vào năm 2024, SSI cho hay.

Tại thời điểm đó, tình hình thanh khoản sẽ tốt hơn khi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ đi vào thực tiễn.

Riêng trong năm 2023, nghị định 08 cho phép tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp được kéo dài nghĩa vụ thanh toán thêm tối đa 2 năm, đồng thời một số các ngân hàng cho biết họ đang chuẩn bị bổ sung thêm vốn cho các chủ đầu tư dự án có đủ pháp lý cần thiết. Điều này cũng góp phần làm vấn đề thanh khoản trong hệ thống được ổn định dần dần.

Phương Nga

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.