|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chịu ảnh hưởng của bão Yagi, IIP tháng 9 của Hà Nội ước tính giảm 2,7%

08:25 | 09/10/2024
Chia sẻ
Sự đổ bộ của cơn bão số 3 Yagi vào đầu tháng 9 đã gây một số ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. IIP tháng 9 của Hà Nội ước tính giảm 2,7% so với tháng trước, tuy nhiên luỹ kế 9 tháng vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

GRDP tăng 6,06%

Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố quý III ước tính tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,66%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,22%; dịch vụ tăng 6,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,99%.

GRDP Hà Nội 9 tháng đầu năm ước tính tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,47%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,74%; khu vực dịch vụ tăng 6,76%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,54%.

Cơ cấu GRDP Hà Nội 9 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

IIP tăng 5,4%

Sự đổ bộ của cơn bão số 3 Yagi vào đầu tháng 9 đã gây một số ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố trong tháng 9 ước tính giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023.

9 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, với 4 nhóm ngành chính đều ghi nhận tăng trưởng dương.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Hà Nội). 

Thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính riêng tháng 9, Hà Nội thu hút 67,9 triệu USD. Trong đó, có 24 dự án được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 12,9 triệu USD; 23 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư, số vốn đăng ký tăng thêm đạt 23,4 triệu USD; 25 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 31,6 triệu USD. 

Tính chung 9 tháng, toàn thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 197 dự án, với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 143 lượt tăng vốn đầu tư, với 220,7 triệu USD; 178 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208,2 triệu USD.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 7,1%

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, trong 9 tháng, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 21.800 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký đạt 199.000 tỷ đồng, giảm 7,1% về số lượng doanh nghiệp và giảm 15,4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 7.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10,6%; 20.100 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18,7%; hơn 3.300 doanh nghiệp giải thể, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 620.000 tỷ đồng

Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của thành phố trong quý III. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 10,5%.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 391.500 tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng mức và tăng 10,4%; khách sạn, nhà hàng đạt 84.100 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng mức và tăng 11,1%; dịch vụ khác đạt 123.400 tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 6,3%.

Du lịch đón gần 3,2 triệu lượt khách quốc tế

Tính riêng quý III, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,5 triệu lượt, tăng 3,4% so với quý trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 9 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 4,6 triệu lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 3,156 triệu lượt, tăng 41,5%, chiếm phần lớn là khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Anh…; khách nội địa đạt 1,405 triệu lượt, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 44,9 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Hà Nội trong 9 tháng đạt 44,9 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu đạt 30,5 tỷ USD, tăng 13%.

Tính riêng quý III, tổng kim ngạch đạt 16,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 21,3% so với quý II và tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 5,2% so với quý trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. 

CPI tăng 4,88%, với 10/11 nhóm hàng tăng

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,66% so với tháng trước, tăng 1,95% so với tháng 12/2023 và tăng 2,01% so với cùng kỳ năm trước, với 9/11 nhóm hàng có CPI tăng. Bình quân quý III năm nay, CPI tăng 3,97% so với bình quân quý III/2023, với 9/11 nhóm hàng có CPI tăng.

Bình quân 9 tháng, CPI tăng 4,88% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,27%.

Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân 9 tháng năm 2024 so với bình quân năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Hà Nội).

Ngân sách thặng dư hơn 300.000 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội ước thực hiện 379.000 tỷ đồng, đạt 92,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thu nội địa đạt 355.400 tỷ đồng, bằng 93,9% dự toán và tăng 23,6%; thu từ dầu thô đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 105,4% dự toán và tăng 3,8%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 19.600 tỷ đồng, đạt 72,7% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về chi ngân sách địa phương, 9 tháng năm nay, Hà Nội ước thực hiện 70.500 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán năm và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển 31.900 tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán và tăng 27,2%; chi thường xuyên 38.500 tỷ đồng, đạt 67,3% dự toán và tăng 15,1%.

Tăng trưởng tín dụng đạt 12,59%

Về hoạt động của các tín dụng, ước đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố ước tính đạt 5,611 triệu tỷ đồng, tăng 0,71% so với cuối tháng trước và tăng 5,16% so với cuối năm 2023.

Tổng dư nợ tín dụng tại Hà Nội ước đạt 4,072 triệu tỷ đồng, tăng 0,78% so với cuối tháng trước và tăng 12,59% so với cuối năm 2023, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1,736 triệu tỷ đồng, tăng 0,47% và tăng 15,38%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,336 triệu tỷ đồng, tăng 1,01% và tăng 10,59%. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,69% trong tổng dư nợ. 

Một số công trình trọng điểm trên địa bàn

Trong tháng 9 vừa qua, dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội đã khánh thành đi vào hoạt động. Đây là một trong các công trình lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, được khởi công từ tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích 39.600 m2.

Một công trình kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô khác là dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, với tổng diện tích 67.900 m2 tại quận Hà Đông sẽ khánh thành vào ngày 9/10.

Ngoài ra, thành phố đang tích cực triển khai một số công trình giao thông quan trọng như: Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình...

Anh My