|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Chính tôi cũng hưởng lợi vì tết nghỉ dài nhưng sẽ bất lợi cho nền kinh tế'

21:15 | 28/01/2017
Chia sẻ
“Tôi đề nghị sáp nhập Tết âm lịch vào Tết dương lịch và nói rõ không đề nghị bỏ tết cổ truyền Việt Nam, vẫn lì xì chúc tết, vẫn thịt mỡ dưa hành, thờ cúng tổ tiên nhưng thời điểm 1/1 dương lịch”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
chinh toi cung huong loi vi tet nghi dai nhung se bat loi cho nen kinh te
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: BizLIVE

Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông đã nhiều lần lên tiếng về việc nghỉ tết cổ truyền quá dài. Ông Hiếu cho biết, việc nghỉ tết dài dù có điểm lợi và chính ông cũng là người hưởng lợi nhưng thay vì nghỉ dài đến 7, thậm chí 9-10 ngày nên nghỉ khoảng 3 ngày bởi việc nghỉ dài theo ông sẽ bất lợi cho nền kinh tế vì tạo ra khoảng trống rất lớn giữa Việt Nam và thế giới.

“Trước đó công việc đã chậm do lễ tết, sau khi nghỉ 2- 3 tuần công việc mới trở về như trước như vậy mất 1 đến 1,5 tháng kinh tế chậm lại, thiệt hại nhiều về kinh tế, ước đoán từ 1-2% GDP. Tôi đề nghị sáp nhập Tết âm lịch vào Tết dương lịch và nói rõ không đề nghị bỏ tết cổ truyền Việt Nam, vẫn lì xì chúc tết, vẫn thịt mỡ dưa hành, thờ cúng tổ tiên nhưng thời điểm là 1/1 dương lịch”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng, vấn đề văn hoá chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều và “không nghĩ là có thể thay đổi một sớm một chiều”.

Từng có thời gian dài công tác tại Mỹ, ông Hiếu cho biết, những ngày lễ tết khi ông đang ở Mỹ vào thời điểm Tết âm lịch ông cũng nhớ lại những kỷ niệm và bồi hồi nhưng không có cảm giác ăn tết như ở Việt Nam vì người Mỹ không biết về Tết âm lịch, chỉ có cộng đồng người Việt Nam, người Hoa, Hàn Quốc ăn Tết âm lịch, tổ chức hội xuân, văn nghệ…

“Ngày tết rơi vào ngày làm việc bình thường, mấy chục năm tôi ở Mỹ không bao giờ tôi lấy ngày nghỉ vào ngày Tết mà coi đâu là ngày bình thường vì sống và làm việc trong guồng quay tất cả mọi người đi làm, không có không khí tết. Đêm giao thừa tôi có gọi điện thoại chúc Tết mọi người và ngày 1/1 âm lịch tôi có đến nhà thờ để cầu nguyện”, ông Hiếu cho hay.

Cảm nhận về không khí tết năm nay, ông Hiếu dẫn lại câu chuyện ông trò chuyện với người xe ôm làm việc tại TP.HCM, sau khi được hỏi việc ăn tết như thế nào, người xe ôm chia sẻ: “nói thật với bác năm nay chúng tôi khó khăn, tiền không có để ăn tết”, thay vì nghỉ tết, người đàn ông làm công việc chính là nghề bảo vệ và công việc phụ là lái xe ôm này dự định làm tăng ca trong dịp tết để hưởng mức lương cao hơn từ 2-3 lần ngày làm việc bình thường.

Ông Hiếu cho biết: “năm nay không có vẻ tết, năm ngoái tết có vẻ sôi động hơn, năm nay cửa hàng im lìm hơn và tôi cũng cảm thấy như vậy. Về mặt kinh tế có vẻ năm nay Tết có lẽ rất khiêm tốn”.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng chia sẻ thêm rằng, so với thời điểm 10-20 năm trước, nhiều người thay vì lo tết là chơi tết do chất lượng đời sống được cải thiện hơn, thu nhập của người dân cao hơn rất nhiều và “hình như sự phân hoá giàu nghèo càng ngày càng lớn hơn”.

“Những người có tiền mua sắm nhiều trong khi bộ phận người dân nghèo còn rất lớn và họ chỉ có một cái tết giản dị. Hình như sự phân hoá giàu nghèo càng ngày càng lớn hơn. Chúng ta phải chấp nhận sự phân hoá trong xã hội đang phát triển”, ông Hiếu nói.

Nguyễn Thảo