Chính thức chốt báo cáo thẩm tra việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank
Do các nguồn khác không có khả năng bố trí nên Chính phủ đề nghị bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019.
Chiều 8/6 tới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Được giao thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo, gửi đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank.
Đây là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank bị suy giảm do tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản. Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính nhưng Agribank vẫn chưa đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel II có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Do đó, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế, phù hợp với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; đồng thời, đáp ứng được tỷ lệ bảo đảm an toàn của Agribank nói riêng và an toàn hệ thống tài chính quốc gia nói chung, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”.
Xem xét cơ sở pháp lý, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ của Agribank thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Đầu tư công, theo đó đối tượng đầu tư công bao gồm “cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách”.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Agribank là ngân hàng thương mại nhà nước, không phải là loại hình “ngân hàng chính sách” theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nên việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank không thuộc đối tượng điều chỉnh quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư công.
Với địa vị pháp lý là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trong điều kiện Agribank hoạt động ổn định và tăng trưởng đều hàng năm nhưng nếu không được tăng vốn điều lệ trong năm 2020 sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, Agribank là đối tượng được đầu tư bổ sung vốn điều lệ, thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).
Mà, theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật số 69, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập, do vậy, thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng, trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ không thể quyết định ngay việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn ngân sách nhà nước vì không phù hợp với quy định “không sử dụng Ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại” tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định của Luật số 69 và Luật Ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2020. Theo đó Chính phủ đã thống nhất việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019; mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.
Như vậy, Chính phủ đã có chủ trương tăng vốn điều lệ cho Agribank. Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là căn cứ quan trọng, cần thiết để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ và phương án bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2019-2021, phương thức xác định mức vốn điều lệ bổ sung cho Agribank là 3.500 tỷ đồng được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91 và phù hợp với các chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến của ngân hàng cũng như mức vốn thiếu hụt cần bù đắp bằng vốn điều lệ bổ sung trong năm 2020.
Chính phủ cho biết, do các nguồn khác không có khả năng bố trí nên Chính phủ đề nghị bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019.
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đã xây dựng phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019, báo cáo Ủy ban Thường vụ tại phiên họp thứ 44. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho phép phân bổ 14.124,2 tỷ đồng để bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2020 và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và giao Chính phủ phân bổ cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, cần báo cáo Quốc hội về việc bổ sung vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bảo đảm quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đánh giá tác động, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ có tính lan tỏa cao, tăng dư nợ tín dụng cho khách hàng, nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần hỗ trợ kịp thời hệ thống ngân hàng trong việc giảm tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 đối với các đối tượng yếu thế, thực hiện nhiệm vụ cấp bách phục hồi kinh tế - xã hội.