|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng vốn cho Agribank là khoản đầu tư hiệu quả, hơn đổ tiền vào các dự án nghìn tỉ thua lỗ

08:00 | 29/05/2020
Chia sẻ
Phương án tăng vốn cho Agribank dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong những ngày tới. Theo giới chuyên gia, nếu Agribank tăng vốn thành công sẽ tạo ra hiệu quả và tính lan tỏa lớn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Tăng vốn cho Agribank: Khoản đầu tư cần thiết và hiệu quả  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Agribank)

Khẩn trương tăng vốn cho Agribank

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng việc tăng vốn cho Agribank cũng đã đến những giai đoạn cuối cùng. 

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đều đã tán thành phương án tăng vốn cho Agribank theo đề xuất của Chính phủ. Theo Chương trình kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Trong báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy vậy, trong nhiều năm qua tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank bị suy giảm do tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản. Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính nhưng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo số liệu báo cáo của Agribank, tại thời điểm 31/12/2019, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng chỉ đạt 9,2%, sát ngưỡng tối thiểu theo qui định tại Thông tư 22. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, hệ số CAR chỉ đạt 7,3% vào cuối năm 2019 và 6,9% tại thời điểm 31/3/2020, không bảo đảm tỉ lệ tối thiểu 8% theo qui định tại Thông tư 41.

Số liệu theo báo cáo của NHNN cho biết, năm 2020, Agribank thiếu hụt vốn tự có 12.500 tỉ đồng. Nếu phát hành thành công tối đa 9.000 tỉ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2, thì ngân hàng còn thiếu 3.500 tỉ đồng mới đạt CAR mức tối thiểu. Trong trường hợp Agribank không được tăng vốn, hệ số CAR của ngân hàng này có nguy cơ rơi về 6,1% vào năm 2021.

Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2020, Chính phủ đã thống nhất về phương án bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Cụ thể, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ đến từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019. Mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỉ đồng.

Tăng vốn cho Agribank: Khoản đầu tư cần thiết và hiệu quả  - Ảnh 2.

Diễn biến qui mô tài sản, vốn điều lệ của Agribank trong giai đoạn 2014 - 2019. (Nguồn: Agribank)

Tăng vốn cho Agribank, khoản đầu tư hiệu quả

Chia sẻ bên lề tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận đinh việc tăng vốn cho Agribank là rất cần thiết.

Theo vị chuyên gia này, việc tăng vốn cho Agribank sẽ hỗ trợ rất lớn cho phát triển "tam nông" khi 70% dư nợ của ngân hàng này là cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và riêng cho vay lĩnh vực này, Agribank chiếm 50% tổng dư nợ toàn hệ thống. 

Mặt khác, tổng tài sản của Agribank liên tục tăng trưởng 13 – 14%/năm trong suốt 6 năm vừa qua trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng 6 – 7% khiến cho rủi ro an toàn vốn của ngân hàng này là rất lớn.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tin tưởng, việc tăng vốn cho Agribank sẽ có tính lan tỏa rất lớn. "Chẳng hạn chúng ta đầu tư 3.500 tỉ đồng vào một dự án thì tính lan tỏa có lẽ sẽ lâu hơn và nhỏ hơn việc tăng vốn cho Agibank", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Theo ông Lực, khi Agribank được tăng vốn sẽ lan tỏa tích cực đến hoạt động cho vay, tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn và đảm bảo tính ổn định an toàn của hệ thống, đặc biệt là dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài.  

Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng nguồn tiền thu xếp cho Agribank tăng vốn cũng đã có. Trong tổng số 14.000 tỉ đồng mà Chính phủ đã xin Quốc hội chấp thuận, sẽ dành ra 3.500 tỉ để tăng vốn cho Agribank và số tiền này cũng lấy từ nguồn lợi nhuận để lại của chính ngân hàng.

"Nguồn tiền là hoàn toàn có. Vấn đề ở đây là Quốc hội cần xem xét sửa đổi Nghị quyết 25 theo hướng cho phép dùng tiền ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại trong những điều kiện cần thiết", ông Lực nhận định.

Đồng quan điểm với ông Lực, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cho rằng Chính phủ nên dành nguồn lực để tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh thay vì những dự án thiếu hiệu quả.

"Khi ngân sách đầu tư vào Vietcombank, VietinBank hay BIDV đều được chia lãi từ cổ tức, còn đầu tư vào Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước thì phần nộp thuế thu nhập của Agribank sẽ tăng và tới đây kế hoạch của Chính phủ là cổ phần hóa thì phần vốn của Nhà nước tại Agribank cũng lớn lên. Theo tôi đây là những khoản đầu tư có hiệu quả nhất, vậy thì tại sao chúng ta lại không làm? còn hơn chúng ta tiếp tục ngân sách vào những dự án thua lỗ nghìn tỉ", ông Hòe đặt câu hỏi.

Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cho biết hiện các quĩ ngân sách đang nằm rải rác ở các bộ, các tập đoàn lớn như các quĩ phát triển Khoa học Cộng nghệ tại Viettel, VNPT, PVN… Tất cả các quĩ đó có thể lên tới vài nghìn tỉ đồng nhưng thực chất chế độ chính sách lại không chi được gì.

"Vậy tại sao chúng ta lại không có cơ chế tập trung hóa các khoản phân tán này lại để phân bổ hiệu quả hơn. Mà phân bổ hiệu quả hơn có nghĩa là chúng ta phải ném tiền vào những chỗ sinh lời như ngân hàng. Nếu đầu tư vào ngân hàng, ngân hàng sẽ không nợ ngân sách 1 xu về thuế", ông Hòe đề xuất.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ có tính lan tỏa cao, tăng dư nợ tín dụng cho khách hàng, nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Qua đó, góp phần hỗ trợ kịp thời hệ thống ngân hàng trong việc giảm tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 đối với các đối tượng yếu thế, thực hiện nhiệm vụ cấp bách phục hồi kinh tế-xã hội.

Trường hợp được Quốc hội chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, cơ quan này đề nghị Chính phủ, NHNN chỉ đạo Agribank thực hiện các giải pháp tích cực hơn, nhằm tăng thêm vốn cấp 2 để bảo đảm hệ số an toàn vốn theo qui định pháp luật.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Thụy

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.