|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chính sách ngoại giao chuối tại Philippines giúp Trung Quốc đánh bại Nhật Bản

04:32 | 28/07/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đang giúp nền kinh tế Philippines nhưng điều này phản ánh ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Chuối: Biểu tượng quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Philippines

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu chuối lớn nhất của Philippines vào năm ngoái. Đất nước mặt trời mọc vốn là thị trường lớn nhất trong nhiều thập kỉ của Philippines.

Theo Nikkei Asia Review, một số công ty đang tránh Nhật Bản để kí hợp đồng cung cấp cả năm với các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Với hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang tranh giành sức ảnh hưởng tại Philippines, sự thay đổi này tượng trưng cho sự phụ thuộc ngày càng tăng của Manila vào Trung Quốc so với Nhật Bản.

Trong khi Tokyo thúc đẩy các dự án đường sắt để chiếm thế thượng phong về cơ sở hạ tầng thì Bắc Kinh lại tăng gấp đôi nỗ lực về nông nghiệp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo tiền đề cho ngoại giao chuối khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2016.

Trong chuyến công du, ông Duterte tuyên bố "tách" Philippines khỏi đồng minh quan trọng là Mỹ. Đổi lại, ông Tập tuyên bố sẽ nhập khẩu thêm trái cây Philippines và cam kết khoản đầu tư trị giá 24 tỉ USD.

Năm ngoái, Trung Quốc đã mua 496 triệu USD giá trị chuối, tăng 71% so với năm 2017, trong khi đơn đặt hàng từ Nhật Bản tăng 24% lên 485 triệu USD, theo dữ liệu của chính phủ Philippines.

"Theo một cách nào đó, chuối đã trở thành một biểu tượng cho mối quan hệ giữa hai quốc gia," ông Herman Kraft, giáo sư về quan hệ quốc tế tại một trường đại học ở Philippines, nhận định.

https___s3-ap-northeast-1

Nguồn: Nikkei Asia Review.

Cái giá cho sự phụ thuộc vào Trung Quốc  

Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Bắc Kinh và Manila không phải lúc nào cũng thuận lợi, với một cuộc tranh chấp lãnh thổ khiến người trồng chuối tại Philippines chật vật.

Tranh chấp vào tháng 4/2012 giữa các lực lượng hải quân Trung Quốc và Philippines đã khiến Bắc Kinh gần như trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu chuối của quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc tuyên bố chuối đã bị nhiễm sâu bệnh, tuy nhiên ông Stephen Antig, giám đốc điều hành của Hiệp hội những người trồng và xuất khẩu chuối của Philippines, cho biết hành động này là "hoàn toàn mang tính chính trị".

"Từ trước đây, những con côn trùng này đã ở đó nhưng họ không bao giờ từ chối nhập khẩu chuối", ông Antig nhớ lại.

Các quan chức ngành công nghiệp cho biết đó là thời điểm khó khăn vì các trang trại ngập tràn chuối thối và các lô hàng mắc kẹt tại cảng.

"Rất nhiều công ty tại thời điểm đó đã nộp đơn xin phá sản. Đó là một bước ngoặt quan trọng đối với nhiều người", Han Da Bae, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân và Xuất khẩu chuối Mindanao, một nhóm các thương nhân nhỏ tập trung vào thị trường Trung Quốc, nói.

Manila đã nộp đơn lên toà án trọng tài vào năm 2013 để giải quyết vụ việc tại Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng quan hệ với Bắc Kinh. 

Chỉ vài tháng trước khi ông Duterte được bầu vào tháng 5/2016, Bắc Kinh đã hủy 35 tấn chuối Philippines trị giá 33.000 USD vì không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh.

https___s3-ap-northeast-1

Người lao động tại đồn điền chuối rộng 1.000 ha tại tỉnh Davao del Norte, Philippines. Ảnh: Kim Ignacio/Nikkei Asia Review.

Tuy nhiên, ông Duterte hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc. 

Các quan chức Trung Quốc đang cam kết tăng nhập khẩu chuối và các loại trái cây khác bất cứ khi nào gặp các đối tác Philippines. Ông Tập đưa ra cam kết tương tự trong cuộc họp với ông Duterte vào tháng 4.

Trong khi đó, Nhật Bản đang kiểm soát nhập khẩu chuối Philippines. 

Năm ngoái, các thanh tra Nhật Bản đã tìm thấy một hộp chứa quá nhiều thuốc trừ sâu, đã dẫn tới hành động thử nghiệm ngẫu nhiên tất cả chuối của Philippines trong năm nay và làm tăng chi phí cho các nhà xuất khẩu.

Khi các quan chức Philippines gặp khó khăn để thuyết phục Nhật Bản nới lỏng việc kiểm soát, một số công ty đã chọn rời bỏ thị trường Nhật Bản.

Một thập kỉ trước, các nhà xuất khẩu phải tranh giành để thu hút người mua Nhật Bản tìm kiếm chuối loại A của Philippines, đắt hơn 30 - 40% so với loại B bị bầm nhẹ. 

Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc đang muốn tiêu thụ trái cây cao cấp, khiến quốc gia châu Á trở thành thị trường hấp dẫn hơn Nhật Bản, nơi dân số giảm hạn chế tăng trưởng.

Xuất khẩu chuối của Philippines đạt gần 1,4 tỉ USD vào năm ngoái, đưa quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Ecuador.

Trung Quốc đã đồng ý tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Mindanao trị giá hàng tỉ đồng, trong khi Nhật Bản đã nhắm mục tiêu tới những dự án đường sắt ở Manila.

Chuối đứng đầu chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra của Philippines với Hàn Quốc và các nhà xuất khẩu đang chuẩn bị tăng lô hàng đến Nga. 

Ngay cả những thị trường khó tính như Australia cũng đang nghĩ đến việc chấp nhận cho chuối Philippines xâm nhập thị trường.

Tuy nhiên, khai thác thị trường mới thật không dễ dàng. Trong khi Trung Quốc đang thúc đẩy cho ngành này, ông Antig vẫn ủng hộ Nhật Bản, vì nhận định đây là một thị trường ổn định.

Các nhà xuất khẩu nhỏ, được hưởng lợi từ sự chuyển đổi năng động, cũng đang nhìn thấy mặt trái của sự phụ thuộc quá mức vào người Trung Quốc.

Lyly Cao

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.