|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá chuối xiêm giảm mạnh

01:30 | 16/06/2021
Chia sẻ
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện nay, giá chuối xiêm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã giảm nửa so với thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Giá chuối xiêm giảm mạnh - Ảnh 1.

Giá bắp và trái chuối xiêm ở Kiên Giang đang giảm mạnh. (Ảnh: TTXVN).

Theo ông Nguyễn Hoàng Khởi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng, huyện hiện có diện tích trồng chuối trên 2.300 ha, tập trung ở hai xã vùng đệm là An Minh Bắc và Minh Thuận. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá chuối xiêm giảm mạnh. 

Từ tháng 4/2021 đến nay, giá chuối giảm dần, hiện còn 3.000 đồng/nải, trong khi Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 giá chuối thương lái mua tại vườn 7.000 đồng/nải. Bắp chuối hiện có giá 4.000 đồng/kg thay vì 9.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 2/2021, giảm hơn một nửa so trước khi dịch bùng phát trở lại.

Ông Danh Quýt Sa Ma, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc cho biết, gia đình trồng hơn 2 ha chuối xiêm, mỗi tháng thu hoạch 2 lần, mỗi lần được từ 6 - 7 triệu đồng. Với giá hiện nay, ông bán cả nải chuối, bắp chuối chỉ thu được khoảng 3 triệu đồng/đợt.

Tuy giá bán sụt giảm phân nửa nhưng bù lại khi thu hoạch đến đâu có người thu mua đến đó. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng Nguyễn Hoàng Khởi, trước đây nông dân vùng này không chỉ chuối xiêm, mà còn các loại hàng hóa khác, như củ gừng, dứa, mía, trái cây, hoa màu, gặp phải trường hợp "được mùa, mất giá".

Thêm vào đó, nông dân không có đầu ra, bị thương lái ép giá. Từ đó, một số nông dân đứng ra mua xe tải để vừa bán nông sản sản xuất và thu mua luôn hàng hóa của nông dân ở đây. Nhờ vậy, mấy năm gần đây nông dân ở U Minh Thượng không lo đầu ra mà lo nhất là giá cả luôn bấp bênh.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc, trước đây làm ra sản phẩm luôn đau đáu nỗi lo mất giá, không có đầu ra vì không có thương lái đến mua hoặc ép giá nông dân. Thấy vậy, ông Dũng bàn với gia đình mua xe tải tìm thị trường, sau đó chở hàng hóa của nhà và thu mua của nông dân trên địa bàn. 

Lúc đầu tìm đầu mối ở trong tỉnh, sau đó ra ngoài tỉnh và cả TP HCM và xuất sang thị trường nước ngoài. Cái khó chung hiện nay theo ông Dũng là phải theo thị trường. Vào thời điểm hút hàng thì mua giá cao, khi giá cả sụt giảm chung thì nông dân phải chịu chứ không có cách nào khác, do hiện nay các loại hàng hóa của nông dân U Minh Thượng làm ra chưa được bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Khởi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng cho rằng, những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo cho Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tìm giải pháp giúp nghề trồng chuối ổn định, nâng thu nhập cho người dân.

Từ đó, thành lập được hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; trong đó, có nghề trồng chuối xiêm nhằm liên kết sản xuất, tìm hướng tiêu thụ cho nông dân. Tuy nhiên, dịch COVID-19 nên giá thành giảm đáng kể do chuối xiêm xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia, Trung Quốc. Không xuất khẩu được ra nước ngoài nên chỉ bán thị trường trong nước, giá cả sụt giảm là điều tất yếu.

Theo ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, để không còn bị đông trong việc tìm đầu ra cũng như giá sụt giảm, thời gian tới ngành chức năng huyện sẽ tính toán các hướng đi để không chỉ bán chuối tươi cho thương lái mà tạo ra nhiều sản phẩm từ chuối, như sấy trái chuối làm bột; sấy dây tạo ra dây chuối khô làm nguyên liệu đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ; trái chuối ép khô… để cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp.

Lê Sen