Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, tác động tích cực cho cả người thu nhập thấp và thị trường BĐS
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" (gọi tắt là Đề án). Đề án có hiệu lực từ ngày 3/4.
Tại đề án, Chính phủ cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Cụ thể, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ờ vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
Trong khi đó, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân; lượng giao dịch, thanh khoản bất động sản giảm mạnh trong quý III/2022 và có dấu hiệu trầm lắng, đóng băng cho đến nay. Một số sản phẩm nhà ở được chiết khấu lên đến 40 - 50% giá trị hợp đồng tạo ra cơ hội cho khách hàng mua nhà giá rẻ nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, nhiều dự án, công trình bị tạm ngưng thực hiện,...
Trong bối cảnh trên, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các địa phương trọng điểm, doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia và tất cả đều thống nhất việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội (NOXH) tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động kép. Cụ thể, vừa giúp người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở; vừa cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Do đó, Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng và phê duyệt Đề án là rất cần thiết.
Nhiều giải pháp
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp, trong đó, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và sửa đổi luật Nhà ở 2014 đồng bộ với luật Đất đai sửa đổi, luật Đấu thầu sửa đổi, theo đó sửa đổi các cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội.
Cụ thể, về việc dành quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sửa đổi theo hướng địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo quỹ đất; coi việc phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương.
Về tín dụng phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, xác định đây là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương.
Trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Lãi suất thấp hơn khoảng 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Về việc lựa chọn chủ đầu tư, sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn, theo hướng đối với phần 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án; được hạch toán các chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội vào giá thành.
Ngoài ra, sửa đổi quy định "các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng" theo hướng không bắt buộc chủ đầu tư phải dành quỹ nhà ở để cho thuê. Phương án kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) do chủ đầu tư quyết định.
- TIN LIÊN QUAN
-
Doanh nghiệp làm nhà giá rẻ sắp tới sẽ được hưởng những ưu đãi gì? 02/04/2023 - 13:30
Liên quan đến việc thẩm định giá bán, chủ đầu tư dự án xác định giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua và có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt giá bán, cho thuê, cho thuê mua; đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm tổng mức đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, tách công nhân thành một đối tượng riêng, bao gồm: Công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp; có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê.
Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho người lao động tại đơn vị mình thuê.
Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương
Bộ Xây dựng được giao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để trình Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua trong quý II/2023.
Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định hướng dẫn cụ thể chế độ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (Thông tư số 10/2018) theo hướng không phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn khi chủ đầu tư bán nhà cho khách hành.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chi tiết gói tín dụng 120.000 tỷ: Triển khai chính thức trong vài ngày tới, lãi suất từ 8,2% - 8,7%/năm 31/03/2023 - 15:43
Thủ tướng yêu cầu NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình UBTVQH xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
NHNN cũng được giao chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các địa phương, các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Đồng thời có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng,..., cân đối bố trí ngân sách địa phương nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường,...