|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính phủ nói gì về vấn đề tăng vốn của 4 ngân hàng quốc doanh?

11:11 | 18/10/2021
Chia sẻ
Chính phủ khẳng định với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn tối thiểu theo quy định, vấn đề tăng vốn điều lệ của các ngân hàng quốc doanh là rất cấp thiết.
Chính phủ nói gì về vấn đề tăng vốn của 4 ngân hàng quốc doanh? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Lê Huy).

Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020, Chính phủ khẳng định rằng vấn đề nâng cao năng lực tài chính là trọng tâm lớn nhất của cả khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Hiện tại, phương án tăng vốn của các ngân hàng vẫn chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng cũng như áp lực tăng chi phí vốn do thực hiện các biện pháp bù đắp như cầu nâng cao năng lực tài chính như phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn.

Chính phủ cho biết phương án tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh đã được trình Quốc hội, Thủ tướng để xem xét, quyết định. 

"Với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn tối thiểu theo quy định, vấn đề tăng vốn điều lệ của các ngân hàng quốc doanh là rất cấp thiết", Chính phủ cho biết.

Đặc biệt trong thời gian tới, các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41 và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Tính đến 31/12/2020, có 3/4 ngân hàng áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II quy  định tại Thông tư 41 là Vietcombank, BIDV và VietinBank. Riêng Agribank vẫn áp dụng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 22.

Dù đã có kế hoạch và trình lên Chính phủ, nhưng từ đầu năm đến nay, mới có Agribank và VietinBank gỡ được xong nút thắt về vốn.

Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 34.233 tỷ đồng, sau khi được Thủ tướng thông qua hồi đầu năm. Vào tháng 7 vừa qua, VietinBank cũng đã hoàn tất phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ, qua đó nâng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên gần 48.058 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Thủ tưởng đã ra quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Theo đó, ngân hàng sẽ được bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. 

Theo kế hoạch được phê duyệt tại ĐHĐCĐ hồi tháng 4 vừa qua, Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua hai cấu phần.

Thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ gần 308 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư.

Trong khi đó, phương án tăng vốn tại BIDV vẫn chưa được thông qua. Theo thông tin từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lộ trình tăng vốn 2021 - 2023 của BIDV có thể lùi lại một năm so với dự kiến.

Cụ thể, kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2% đang xin ý kiến chấp thuận của Chính phủ. Trong khi đó, kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài với tỷ lệ 8,5% vẫn trong giai đoạn đàm phán. 

Lê Huy