|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính phủ Nhật Bản đánh tín hiệu sẽ can thiệp nếu đồng yen tiếp tục mất giá

23:23 | 08/09/2023
Chia sẻ
Tỷ giá của đồng yen Nhật ngày 7/9 đã rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và có nguy cơ về mức "đáy" của năm ngoái là 151,94 yen đổi 1 USD.

Tỷ giá của đồng yen Nhật ngày 7/9 đã rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và có nguy cơ về mức "đáy" của năm ngoái là 151,94 yen đổi 1 USD.

Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu tăng cường can thiệp thông qua tuyên bố để ngỏ các dấu hiệu về khả năng sẽ can thiệp. Nhưng các chuyên gia cho rằng sự yếu kém hiện tại của đồng yen phản ánh chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các thị trường khác. Do đó, sẽ khó ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng yen trong thời gian tới.

Một yếu tố thúc đẩy việc bán đồng yen là khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản với thị trường nước ngoài. Chỉ số quản lý mua hàng phi sản xuất của Mỹ trong tháng 8, do Viện Quản lý Cung ứng công bố, cho thấy chỉ số này đã vượt xa ước tính của thị trường. Điều này đã sẽ là cơ sở có khả năng thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, tạo động lực cho động thái bán tháo đồng yen để mua đồng USD. Trong ngày 7/9, tỷ giá hối đoái giữa đồng yen và USD vào khoảng 147 yen đổi được 1 USD.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm. Trong khi, hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới, các ngân hàng trung ương đều đã ở trong chu kỳ tăng lãi suất kể từ năm ngoái, nhằm kiểm soát lạm phát cao tăng nhanh.

Theo Ngân hàng JPMorgan Chase, khoảng cách giữa lãi suất của Nhật Bản với mức lãi suất trung bình trên toàn thế giới đã lên tới 4,8 điểm phần trăm. Con số này vượt quá mức chênh lệch vào năm 2007, thời kỳ hoàng kim của giao dịch mua bán đồng yen, trong đó các nhà đầu tư vay đồng yen với lãi suất thấp để trao đổi và tìm kiếm lợi nhuận bằng đồng tiền mạnh hơn. Đây cũng là mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2001.

Năm 2000, BoJ chấm dứt chính sách lãi suất bằng 0, được áp dụng vào năm 1999, nhưng vẫn giữ ở mức thấp 0,25%. Năm 2001, nước này một lần nữa đưa ra lãi suất về 0 cùng với động thái chính sách nới lỏng định lượng. Ngược lại, Fed vào năm 2000 đã tăng lãi suất lên 6,5% trong nỗ lực chế ngự bong bóng dotcom (thuật ngữ được nhắc đến thập niên 90 khi cổ phiếu các công ty công nghệ, kinh doanh trên Internet với tên miền .com bị sụp đổ do việc bị thổi phồng quá mức).

Chuyên gia Tohru Sasaki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Nhật Bản tại J.P. Morgan, nhận định: “Khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản với nước ngoài sẽ tăng lên gần 5 điểm phần trăm vào cuối năm 2023”. Trong tháng Bảy, giá trị tài khoản nội bộ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Nhật Bản, phản ánh quy mô của giao dịch mua bán, đạt tổng cộng 10.000 tỷ yen. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn một nửa mức đỉnh đạt được vào năm 2007. Điều này có nghĩa là vẫn còn dư địa đáng kể để mở rộng giao dịch mua bán, một động thái sẽ làm cho đồng yen tiếp tục suy yếu.

Theo ước tính của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ, các nhà đầu cơ đã bán ròng đồng yen kể từ tháng 3/2021 và động lực bán vẫn còn rất mạnh. Chu kỳ bán đồng yen hiện đã trở thành chu kỳ dài thứ hai kể từ năm 2000. Chu kỳ dài nhất kéo dài từ năm 2012 - 2015, trùng với thời điểm áp dụng chính sách kinh tế "Abenomics" và chính sách siêu nới lỏng tiền tê của BoJ.

Mặc dù BoJ tỏ ra ít lo lắng về việc đồng yen bị mất giá và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, nhưng các quan chức Chính phủ Nhật Bản hiện đang tỏ ra cảnh giác về sự sụt giảm kéo dài của đồng yen. Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, Masato Kanda, khẳng định đang theo dõi tình hình và nếu có hành vi đầu cơ hoạt vi phạm các nguyên tắc kinh tế cơ bản, Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp bằng mọi khả năng.

 

Nguyễn Tuyến