|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Chính phủ không chọn giải pháp đóng cửa mọi thứ vì corona, DN cần chủ động đón đầu cơ hội tăng tốc

17:52 | 17/02/2020
Chia sẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ mà thay vào đó, vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân.

Chiều 17/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch covid-19.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là điểm đến an toàn và khẳng định: "Chính phủ không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ mà thay vào đó, có giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân".

Chính phủ họp về dịch corona: Không chọn giải pháp đóng cửa mọi thứ, DN cần chủ động đón đầu cơ hội tăng tốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ không chọn giải pháp đóng cửa mọi thứ. Ảnh: VGP news.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong lịch sử, năm 2003, chỉ sau 45 ngày có dịch SARS, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

"Ở thời điểm này, chúng ta càng tự tin hơn với các phương tiện và quyết tâm hiện có. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang làm rất tốt nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế cả nước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không chỉ phòng và chống rất tốt, đến nay, chúng ta đã chữa, không để một trường hợp nào nhiễm virus corona rơi vào tình trạng nguy hiểm và đã chữa khỏi, cho ra viện 7 người trên 16 trường hợp mắc bệnh.

Hiện Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương công bố hết dịch đối với các tỉnh đã bảo đảm điều kiện như Khánh Hòa (đã qua 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh), Thanh Hóa (đã qua 23 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh).

Còn tại Vĩnh Phúc – địa phương có nhiều người nhiễm bệnh nhất, Thủ tướng đánh giá, tỉnh này đã có nhiều cố gắng trong công cuộc dập dịch, chỉ đạo, khoanh vùng, nhiều giải pháp mạnh mẽ với sự vào cuộc của ngành y tế, công an, quốc phòng.

Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Chính phủ bảo đảm không chỉ môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất mà còn môi trường sống tốt nhất cho người dân, nhà đầu tư đến Việt Nam.

"Tôi đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu để không bỏ lỡ cơ hội tăng tốc. Chính phủ sẽ có các kịch bản tăng trưởng, các chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị một tuần hai lần, Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia báo cáo, còn hai ngày một lần, Ban chỉ đạo quốc gia họp về phòng chống dịch.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nêu các ví dụ về những ngành, những doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn do dịch bệnh mà còn chuyển nguy thành cơ và nhiều lĩnh vực đã xử lí tốt những vấn đề như ứ đọng nông sản, chẳng hạn với trái thanh long.

Nhiều chuyến hàng xuất khẩu nông sản bằng đường biển, đường bộ được khơi thông. Nhiều doanh nghiệp đã có các cách làm sáng tạo để bảo đảm quá trình sản xuất, kinh doanh bình thường.

"Chúng ta phải có tinh thần sẵn sàng, không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông tin tại cuộc họp, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, tính đến 11h hôm nay (17/2), trên toàn thế giới ghi nhận 71.332 trường hợp nhiễm covia-19 tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc có 70.548 trường hợp.

Thế giới ghi nhận 1.775 trường hợp tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục 1.770 trường hợp; Philippines, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Pháp, Đài Loan mỗi nơi có 1 trường hợp tử vong.

K.Hà

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.