|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính phủ chính thức đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu

15:57 | 27/03/2022
Chia sẻ
Chính phủ đồng ý với đề nghị kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 45 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Chính phủ đồng ý với đề nghị kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Đồng thời giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 để trình Quốc hội theo quy định. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 25/3.

Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022. Do vậy, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành và khi chưa ban hành được Luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 trong giai đoạn 2022-2025.  

Ngoài ra, để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022. 

Trước đó, NHNN đã có dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025.  

Theo số liệu từ NHNN, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%. 

Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%). Đây cũng là năm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 mới được các ngân hàng công bố, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng, thí dụ như VPBank (tăng 60% so với 2020), Vietinbank (49%), VIB (58%), HDB (43%)….  Bình quân số dư nợ xấu 28 NHTM niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020. 

 

  Tỷ lệ nợ xấu giai đoạn 2016 – 2021 (% tổng dư nợ). (Nguồn: NHNN). 

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV TS Cấn Văn Lực, nợ xấu nội bảng năm 2022 dự báo có thể lên mức 2,3 - 2,5%.

Đồng thời, nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan.

Do vậy, việc gia hạn Nghị quyết 42 và tiến tới là luật hóa Nghị quyết 42 là những bước đi cần thiết trong điều kiện Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực và áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu. 

 

Phương Nga