|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chìm tàu ở Cần Giờ, nguy cơ đội giá hàng Tết

22:00 | 07/11/2019
Chia sẻ
Vụ việc tàu VIETSUN INTEGRITY bị chìm trên luồng sông Lòng Tàu thuộc địa phận huyện Cần Giờ, TPHCM không chỉ ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mà còn đẩy chi phí logistics của các hãng tàu tăng cao, ước tính lên đến hàng chục ngàn đô la Mỹ, kèm theo những lo ngại về việc đội giá hàng hóa vào dịp cuối năm.
Chìm tàu ở Cần Giờ, nguy cơ đội giá hàng Tết - Ảnh 1.

Đã hơn 20 ngày kể từ khi Vietsun Integrity bị chìm, đến nay vẫn đang chờ phương án trục vớt - Ảnh: Phan Minh

Tàu không vào được cảng, tốn thêm 10.000 - 20.000 đô la mỗi ngày

Hơn 20 ngày kể từ khi tàu Vietsun Integrity bị chìm trên luồng sông Lòng Tàu (thuộc địa phận huyện Cần Giờ, TPHCM), việc xử lý cứu hộ vẫn chưa có phương án cụ thể và chưa biết khi nào luồng sẽ thông.

Hạn chế lưu thông luồng Lòng Tàu buộc các tàu phải chuyển hướng qua luồng Soài Rạp để cập các cảng ở TPHCM. Do luồng Soài Rạp không sâu bằng luồng Lòng Tàu, các tàu có mớn cao buộc phải giảm tải mới có thể đi vào luồng an toàn. Việc chuyển hướng ra luồng Soài Rạp khiến các hãng tàu phải đi xa hơn, chịu phát sinh thêm một lần các loại phí hoa tiêu, phí trọng tải, phí tàu lai dắt, phí cầu bến,....

Tàu ra vào TPHCM phải cập cảng Cái Mép- Thị Vải (Rà Rịa - Vũng Tàu) để dỡ container nhập khẩu, cũng phải chịu mức phí xếp dỡ cao hơn, cộng thêm chi phí chuyển hàng về các cảng và ICD ở TPHCM và phí chuyển hàng từ các cảng ở TPHCM ra các cảng ở Cái Mép - Thị Vải.

Phản ánh với TBKTSG Online, các hãng tàu cho biết phải chịu thêm hàng loạt chi phí phát sinh như cảng phí; phí vận chuyển sà lan; chi phí thuê tàu thêm 1 ngày; phí bãi cho hàng xuất, hàng nhập; phải bố trí thêm tàu nhỏ để giải phóng hàng tồn,….

Trong đó, các chi phí phát sinh trực tiếp rất lớn, chẳng hạn như chi phí chuyển tàu nhỏ hơn để đưa hàng từ Vũng Tàu về Cát Lái (phát sinh thêm 50-200 triệu đồng tùy theo lượng hàng); chi phí neo tàu tại phao để chờ chuyển hàng bao gồm phí tàu lai dắt 02 lần tại phao 2.000-4.000 đô la Mỹ/tàu; phí neo phao, phí buộc,cởi dây, … mỗi tàu phát sinh thêm 3.500-5.000 đô la tùy kích cỡ và thời gian nằm chờ tại phao.

Đối với những tàu không có cầu bến hoặc bị neo tại phao chờ thủy triều, kéo dài thời gian lịch trình trên biển thì phát sinh chi phí thuyền viên, nhiên liệu, thuê tàu mỗi ngày, trung bình 10.000-20.000 đô la Mỹ/ngày. Ngoài ra, vì trễ lịch tại cảng dỡ hàng, các tàu phải tăng tốc để lấy lại lịch trình nên phát sinh phí nhiên liệu trên biển, ước tính từ 3.000-5.000 đô la/ngày.

Đó là chưa kể các tàu về Việt Nam phải giảm bớt lượng hàng từ các cảng xếp hàng ở phía Nam Trung Quốc, cũng như hàng xuất từ Việt Nam đi Hong Kong, Hàn Quốc, chủ yếu là các mặt hàng trọng tải lớn như gỗ, thép, nông sản,… Tính theo sản lượng, hàng nhập giảm 30%, hàng xuất giảm 40%, tương ứng với mất cước phí vận chuyển từ 50.000 – 100.000 đô la Mỹ/ tuần (tùy tãng tàu). Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng nhưng lượng chỗ trên tàu không đủ, các hãng tàu phải mua thêm chỗ bổ sung trên các tàu khác, khiến chi phí tăng thêm từ 20-50% cho mỗi lô hàng.

Đội giá hàng hóa

Sự cố chìm tàu ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ của khu vực phía Nam mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, vì đây đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa phục vụ tết của các doanh nghiệp tăng cao.

Đại diện của một doanh nghiệp sản xuất nói với TBKTSG Online rằng, các chi phí vận chuyển tăng vào dịp cuối năm sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng theo, nhiều khả năng ảnh hưởng rất lớn đến giá cả vào dịp tết.

Khi vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, không chỉ các hãng tàu thiệt hại mà các cảng, doanh nghiệp sản xuất đều bị thiệt hại theo dây chuyền. Đối với doanh nghiệp sản xuất, do các lô hàng đã đặt theo kế hoạch nên khi tàu bị giảm container để vào cảng dẫn đến nhà máy bị thiếu nguyên liệu sản xuất, hàng loạt chi phí phát sinh khi nhà máy không có nguyên liệu, cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến hàng thành phẩm xuất khẩu.

Việc các tàu giảm sản lượng và tăng thời gian tàu nằm bến đã ảnh hưởng lớn đến năng suất giải phóng tàu.

Thống kê của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy, hiện nay công suất làm hàng của một cầu bến chỉ đạt trung bình chỉ 62 container/ giờ, giảm 12 container/giờ so với trước đây.

Các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng khi thời gian giao, nhận hàng hoá không đúng tiến độ. Ngoài ra, các hãng tàu tăng phụ phí cho việc vận chuyển hàng giữa khu vực Cái Mép và Cát Lái làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và hiệu quả kinh doanh.

Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị khai thác một số cảng ở TPHCM và Vũng Tàu), tính từ thời điểm sự cố đến ngày 4-11-2019 đã có 38 tàu phải neo phao chờ thuỷ triều mới có thể cập hoặc rời cảng Cát Lái, có 22 tàu phải giảm tải tại Cái Mép - Thị Vải trước khi cập cảng Cát Lái.

Đối với hàng xuất khẩu, có tổng cộng 40-50 tàu phải có kế hoạch giảm hàng xuất khẩu, với bình quân các tàu phải cắt 80-120 TEU/tàu, chiếm 5-9% sản lượng xuất khẩu của tàu. Dự kiến, với bình quân 1 tuần hơn 4000 TEU phải cắt giảm hoặc sử dụng tàu tăng cường để vận chuyển, chi phí khai thác của các hãng tàu cũng tăng theo và tăng áp lực trong công tác bố trí cầu bến của cảng.

Để sớm chấm dứt tình trạng tăng các phí phát sinh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị các cơ quan quản lý  sớm thống nhất phương án cứu hộ tàu Integrity để thông luồng Lòng Tàu. Có thể áp dụng phương án Chính phủ ứng trước chi phí cho các đơn vị cứu hộ, sau đó thu lại từ các cơ sở kinh doanh cảng và các hãng tàu. Đồng thời, Bộ GTVT sớm chấp thuận phương án nạo vét khẩn cấp một số điểm cạn trên luồng Soài Rạp để đảm bảo tàu chỏ hàng vào an toàn khi việc cứu hộ chưa thể thực hiện sớm.

Hỗ trợ hãng tàu và chủ hàng

Dù bị ảnh hưởng rất lớn nhưng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vẫn có chính sách hỗ trợ cho hãng tàu và doanh nghiệp.

Đối với các tàu giảm tải làm hàng tại cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) và cảng Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn mà hãng tàu, đại lý đã ký hợp đồng dịch vụ xếp dỡ vận chuyển container sẽ được hỗ trợ 50% giá dịch vụ vận chuyển container (có hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa các cảng ở Cái Mép với Cát Lái bằng sà lan.

Bên cạnh đó, hãng tàu, đại lý hãng tàu chưa ký hợp đồng sẽ được giảm 26% giá dịch vụ vận chuyển container (có hàng và rỗng) khi vận chuyển giữa các cảng bằng sà lan từ Cái Mép về TPHCM và ngược lại.

Các tàu giảm tải, làm hàng tại cảng Tân Cảng – Hiệp Phước sẽ được hỗ trợ giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa Tân Cảng - Hiệp Phước và Cát Lái với mức từ 340.000-650.000 đồng/container.

Lê Anh