|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chiến tranh lạnh trong ngành công nghệ đã bắt đầu

19:13 | 20/05/2019
Chia sẻ
Chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài theo đuổi sự tự chủ về mặt công nghệ và sẽ đổ hàng đống tiền để đạt được mục tiêu đó.
Chiến tranh lạnh trong ngành công nghệ đã bắt đầu - Ảnh 1.

Chiến tranh lạnh trong ngành công nghệ đã bắt đầu.

Đây chính là thời điểm mà Huawei Technologies đã chờ đợi. Các nhà sản xuất chip, gồm Intel, Qualcomn, Xilinx và Broadcom, đã tuyên bố với nhân viên rằng họ sẽ không cung cấp linh kiện cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Những công ty này sẽ chờ đợi chỉ thị rõ ràng từ chính quyền của Tổng thống Trump về việc có thể xuất hàng cho Huawei hay không, do đó vào thời điểm hiện tại, dường như họ vẫn đang thận trọng.

Một tình huống tương tự cũng đã diễn ra khi ZTE bị cấm mua sản phẩm của Mỹ sau khi phá vỡ thỏa thuận nhằm giải quyết các cáo buộc liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt thương mại.

Nhân viên của ZTE được yêu cầu tạm dừng xuất xưởng hàng hóa cho đến khi họ làm rõ những việc gì bị cấm và được cho phép. Cuối cùng Mỹ đã áp lệnh cấm vận (sau này được gỡ bỏ), khiến ZTE -  công ty viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc chỉ sau Huawei - bị tê liệt.

Khả năng chính phủ Mỹ cắt đứt hoàn toàn nguồn cung linh kiện cho Huawei chính xác là những gì mà ban lãnh đạo công ty đã dự đoán trong gần một năm, theo nguồn tin của Bloomberg.

Huawei có dự trữ vật tư đủ dùng trong ít nhất ba tháng. Số lượng này không phải quá nhiều, tuy nhiên nó cho thấy mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa mà công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này phải đối mặt.

Chiến tranh lạnh trong ngành công nghệ đã bắt đầu - Ảnh 3.

Giá vốn hàng bán của Huawei ngày càng tăng khi nó trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông quốc tế lớn.

Nhiều người hi vọng rằng đợt tăng thuế mới nhất chỉ là một phần trong chiến lược để giải quyết chiến tranh thương mại của Mỹ và sẽ được xử lí trong các vòng đàm phán sâu hơn.

Huawei cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như lại không ngây thơ như vậy. Ngay cả những lệnh cấm ngắn nhất cũng sẽ là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không thể phụ thuộc vào nước ngoài được nữa.

Lúc này, chúng ta có thể kì vọng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để xây dựng một hệ điều hành điện thoại thông minh, thiết kế chip, phát triển công nghệ bán dẫn (gồm công cụ thiết kế và thiết bị sản xuất) và thực hiện các tiêu chuẩn công nghệ của riêng họ.

Điều này chỉ có thể đẩy nhanh quá trình tạo ra một bức màn kĩ thuật số ngăn cách thế giới thành hai lãnh địa riêng biệt, loại trừ lẫn nhau.

Thế giới cho rằng phiên bản Android đầu tiên của Trung Quốc - hãy gọi nó là Chandroid - sẽ chỉ đáng "xách dép" cho bản gốc được phát triển bởi Google của Alphabet.

Đồng thời, chip viễn thông do chính Trung Quốc phát triển sẽ kém xa so với chip do Qualcomn và Xilinx cung cấp.

Chiến tranh lạnh trong ngành công nghệ đã bắt đầu - Ảnh 4.

Huawei là nhà sản xuất điện thoại Android lớn thứ hai thế giới, theo sau là nhiều hãng điện thoại Trung Quốc khác như Xiaomi, Vivo và OPPO.

Mặc dù những nỗ lực phát triển sản phẩm nội địa trước đây có thể thất bại vì lựa chọn thay thế của phương Tây vẫn tồn tại, các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc hiểu rằng giờ đây họ không còn đường lùi.

Chính phủ Trung Quốc sẽ bơm thêm trợ cấp để đảm bảo ngành công nghệ trong nước không bị thua thiệt và hoạt động này sẽ rất hao tiền tốn của.

Tiền bạc không thể giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên theo thời gian, tài trợ của chính phủ Trung Quốc sẽ vượt qua đủ thách thức để có thể giúp các lựa chọn thay thế do người Trung Quốc sản xuất trở nên khả dụng, thậm chí có thể sánh ngang với ngành công nghệ Mỹ.

Mỹ nhiều khả năng không có đủ ý chí chính trị để trợ cấp cho doanh nghiệp của nước này ở cùng mức độ với Trung Quốc. Ban đầu, Mỹ không cần làm điều này bởi họ đã có ưu thế hiện tại.

Tuy nhiên, vị trí của Huawei ở công nghệ di động 5G cho thấy vị thế dẫn đầu của Mỹ không thể được duy trì mãi mãi.

Vậy là chiến tranh lạnh trong lĩnh vực công nghệ đã bắt đầu. Người chiến thắng sẽ không phải đội quân với chiến binh giỏi nhất mà là những người có khả năng chịu đựng nỗi đau của sự mất mát kéo dài.

Trần Nam Thi