Chiến lược phát triển kinh tế và quản lý nguồn thu dầu mỏ của Saudi Arabia
Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết đánh giá về triển vọng của nền kinh tế Saudi Arabia. Bài viết cho rằng để duy trì và củng cố các thành quả kinh tế trong dài hạn, điều quan trọng là Saudi Arabia phải tránh các "mô hình bội chi" trong quá khứ, quản lý tốt nguồn thu từ dầu mỏ đồng thời duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ do khu vực tư nhân dẫn dắt và tiến hành cải cách vì một nền kinh tế xanh hơn.
Saudi Arabia mới đây công bố báo cáo đánh giá tích cực về nền kinh tế trong năm 2022, trong đó quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ này kỳ vọng đạt thặng dư ngân sách khá lớn lần đầu tiên sau 8 năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế Saudi Arabia sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm nay, trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Triển vọng tươi sáng này sẽ có ý nghĩa chiến lược đối với Saudi Arabia xét trên phương diện trong nước, khu vực và toàn cầu. Saudi Arabia chắc chắn sẽ phải thận trọng và sáng suốt để rút ra những bài học từ các đợt bùng nổ kinh tế trước đây, nhằm duy trì và củng cố các thành quả kinh tế đó trong dài hạn.
Theo dự báo của Bộ Tài chính Saudi Arabia, thu ngân sách của nước này dự kiến đạt 326 tỷ USD trong năm 2022, tăng khoảng 17% so với mức dự kiến được đưa ra hồi đầu năm. Chi tiêu ngân sách thực tế cũng sẽ tăng khoảng 18% từ mức 255 tỷ USD theo kế hoạch ngân sách, lên 302 tỷ USD trong năm 2022. Mặc dù chi tiêu ngân sách gia tăng đáng kể, Saudi Arabia sẽ vẫn đạt thặng dư ngân sách khoảng 24 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Lần gần đây nhất quốc gia này ghi nhận thặng dư ngân sách là vào năm 2013. Trong năm đó, thặng dư ngân sách của Saudi Arabia đạt hơn 40 tỷ USD, nhưng sau đó nước này đã chứng kiến các mức thâm hụt khổng lồ trong 8 năm liên tiếp, với thâm hụt lớn nhất là 103 tỷ USD được ghi nhận trong năm 2015.
Báo cáo công bố cuối tuần trước của Bộ Tài chính Saudi Arabia đã ca ngợi những tiến bộ đạt được trong các dự án đa dạng hóa nền kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội. Báo cáo nêu bật thành công của Chương trình Cân bằng Tài khóa do Chính phủ Saudi Arabia triển khai nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách.
Báo cáo cũng nêu rõ Chương trình Bền vững Tài khóa hiện nay đang giúp cân bằng giữa "chi tiêu chiến lược" của Tầm nhìn 2030 với nhu cầu duy trì các chỉ số tài khóa ổn định, bao gồm mức nợ chính phủ và dự trữ tài chính. Tuy nhiên, việc duy trì sự cân bằng này trong giai đoạn khó khăn kinh tế kéo dài 8 năm vừa qua là điều không dễ dàng.
Trong giai đoạn đó, Saudi Arabia đã ghi nhận các mức thâm hụt ngân sách lớn do giá dầu giảm mạnh, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cũng như đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, nhân tố làm sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trên các thị trường quốc tế.
Các đánh giá về sức khỏe tài chính của Saudi Arabia trong tương lai cũng khá tích cực. Theo Bộ Tài chính Saudi Arabia, nước này dự kiến sẽ tiếp tục đạt thặng dư ngân sách trong năm 2023 và trong tương lai gần, ít nhất là đến năm 2025. Báo cáo của bộ này cũng cho rằng triển vọng tích cực đó sẽ giúp Saudi Arabia cải thiện sức khỏe tài chính một cách dễ dàng hơn thông qua chi tiêu hiệu quả, tăng trưởng nguồn thu và quản lý rủi ro.
Mặc dù đạt được kết quả thu ngân sách sách như mong đợi, Chính phủ Saudi Arabia sẽ tiếp tục đi vay từ các thị trường trong nước và quốc tế để thanh toán nợ công. Những cải thiện gần đây về xếp hạng tín nhiệm của Saudi Arabia sẽ giúp việc đi vay của nước này trở nên dễ dàng hơn với chi phí rẻ hơn.
Triển vọng của nền kinh tế Saudi Arabia nói chung thậm chí còn tươi sáng hơn. Điều này bắt đầu được ghi nhận vào năm 2021, khi GDP của Saudi Arabia đạt mức tăng trưởng 3,2% (đã được điều chỉnh theo lạm phát) sau khi sụt giảm do tác động của COVID-19 và sự sụp đổ của giá dầu trong những năm 2019-2020.
Tuy nhiên, năm 2022 đang trở thành năm bội thu của Saudi Arabia với GDP dự kiến sẽ tăng khoảng 7,6%, ghi dấu mức trưởng nhanh nhất trong 10 năm qua. Bước nhảy vọt này sẽ đưa Saudi Arabia trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Những đánh giá gần đây của IMF đã khẳng định triển vọng lạc quan của nền kinh tế Saudi Arabia. Trong một báo cáo gần đây, IMF nhận định triển vọng trong ngắn hạn và trung hạn đối với Saudi Arabia là rất tích cực, với tăng trưởng ngày càng cao hơn, lạm phát vẫn được kiểm soát và dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo IMF, với sản lượng dầu gia tăng theo lộ trình sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, và động lực từ việc tiếp tục chương trình cải cách đầy tham vọng theo Tầm nhìn 2030 đang được triển khai, GDP của Saudi Arabia dự kiến tăng 7,6% năm 2022. IMF dự báo tăng trưởng trong khu vực phi dầu mỏ của Saudi Arabia sẽ đạt 4,2% trong năm 2022 và lạm phát sẽ cao hơn trong nửa cuối năm nay nhưng sẽ vẫn ở mức trung bình 2,8% trong cả năm.
Sự cải thiện về sức khỏe tài chính của chính phủ cũng như nền kinh tế nói chung đã giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Saudi Arabia, giữa lúc nước này đang cần rất nhiều vốn đầu tư để triển khai các siêu dự án. Triển vọng tích cực này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa nền kinh tế và triển khai các dự án để chuẩn bị cho nước này bước vào thời kỳ không còn phụ thuộc vào dầu mỏ. Điều quan trọng để đạt được mục tiêu đó là trao quyền cho khu vực tư nhân dẫn dắt tăng trưởng, thay vì vai trò của chính phủ.
Ở khía cạnh xã hội, nền kinh tế ngày càng được cải thiện đã mang lại nhiều việc làm hơn cho công dân Saudi Arabia và các lao động nước ngoài. Đầu tháng này, Chính phủ Saudi Arabia cho hay tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm đáng kể, xuống mức dưới 10%. Mặc dù tỷ lệ này vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với phụ nữ, nhưng việc đạt được con số đó là một thành tựu lớn chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua.
IMF dự báo quy mô của nền kinh tế Saudi Arabia sẽ vượt mốc 1.000 tỷ USD trong năm nay, khẳng định vị thế của nền kinh tế lớn thứ 18 thế giới. Đây là lần đầu tiên GDP của Saudi Arabia vượt mức 1.000 tỷ USD. Việc tham gia câu lạc bộ 1.000 tỷ USD sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng và vai trò của nước này trong khu vực và thế giới.
Vai trò của Saudi Arabia trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu có thể sẽ gia tăng thông qua Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), IMF và các tổ chức khác.
Để duy trì và củng cố các thành quả kinh tế trong dài hạn, điều quan trọng đối với Saudi Arabia là phải tránh các "mô hình bội chi" trong quá khứ. Cảnh báo của IMF là kịp thời và phù hợp. Ưu tiên chính sách của Saudi Arabia là phải quản lý hiệu quả nguồn thu từ dầu mỏ trong khi duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ do khu vực tư nhân dẫn dắt và tiến hành cải cách vì một nền kinh tế xanh hơn.
Đặc biệt, nước này cần tiếp tục mở cửa và đa dạng hóa nền kinh tế theo các cải cách của Tầm nhìn 2030, bao gồm cả việc thực hiện Chiến lược Đầu tư Quốc gia.