|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến lược 'Mua hàng Mỹ' không giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại

19:49 | 06/01/2021
Chia sẻ
Tự cung tự cấp có vẻ là một lựa chọn hấp dẫn trong bối cảnh Mỹ thiếu nhiều loại hàng hóa thiết yếu trong đại dịch. Nhưng thay vì cự tuyệt thương mại toàn cầu, Mỹ nên tập trung vào khả năng chống chịu với biến cố.
Chiến lược "Mua nước Mỹ" không thể giúp Mỹ hùng mạnh hơn - Ảnh 1.

Tại Mỹ, hãng ô tô GM chuyển sang sản xuất khẩu trang - hàng hóa thiết yếu trong đại dịch. (Ảnh: GM).

Đại dịch COVID-19 đã làm lung lay niềm tin của người Mỹ vào thương mại toàn cầu. Sau khi chứng kiến sự thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, có nguy cơ ảnh hướng đến tính mạng như thiết bị y tế, giới chính trị gia đã nghiêng về một giải pháp cứng rắn: bắt buộc doanh nghiệp sản xuất những gì cần thiết trên đất Mỹ.

Theo Bloomberg, vấn đề của nước Mỹ là có thật, nhưng cách giải quyết này sẽ vô cùng tốn kém và chưa chắc việc sản xuất mọi hàng hóa thiết yếu ở trong nước là khả thi. Cần phải có sự chuyển đổi một cách thận trọng từ phương thức sản xuất "đúng lúc" sang "đề phòng", nhưng quá trình này cần được thực hiện một cách thông minh. Khả năng chống chịu với biến cố không đồng nghĩa với với tự cô lập.

Khủng hoảng COVID-19 đã làm lộ ra những sai sót nghiêm trọng trong các chuỗi cung ứng, một trong số đó là phụ thuộc nặng nề vào việc vận chuyển hàng hóa đúng thời gian từ các địa điểm xa xôi. Những điểm yếu này đã tồn tại từ hàng chục năm trước nhưng chỉ đến gần đây Mỹ mới phải nếm hậu quả.

Theo Bloomberg, tính đến năm 2018, chỉ riêng Trung Quốc cung cấp hơn một nửa lượng thiết bị bảo vệ cá nhân cho thế giới như khẩu trang N95, cũng như hầu hết các loại đất hiếm cần thiết cho sản xuất đồ điện tử và quốc phòng. Doanh nghiệp có rất nhiều nhà cung cấp, những nhà cung cấp này lại mua hàng từ nhiều nơi khác nhau. Kết quả là doanh nghiệp thường không nhận thức được các lỗ hổng ẩn giấu ở một số cấp độ.

Khi đại dịch cắt đứt các liên kết thương mại và làm gián đoạn nguồn cung, hầu hết thị trường đã học cách thích nghi. Tuy nhiên một số lĩnh vực quan trọng vẫn còn tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Đến bây giờ, y tá Mỹ vẫn phải tái sử dụng khẩu trang N95 dùng một lần vì bệnh viện chỉ giữ được hàng tồn kho đủ trong một tuần, nhà sản xuất không có khả năng gia tăng năng lực và Kho dự trữ Quốc gia Chiến lược của Mỹ đã cạn kiệt.

Các mặt hàng cần thiết để vận chuyển và chuẩn bị bữa ăn ở nhà như như xe đạp và thiết bị nhà bếp cũng vẫn ở trong tình trạng thiếu hụt. Nguyên nhân là nhiều nhà máy nước ngoài phải đóng cửa và việc giao hàng hóa xuyên lục địa trở nên phức tạp do các hạn chế kiểm soát dịch.

Cảnh tượng hỗn loạn trên khiến giấc mơ tự sản xuất trong nước trở nên đặc biệt hấp dẫn. Cả Tổng thống Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden đều tranh cử với lời hứa thực hiện các kế hoạch "Mua hàng Mỹ", với mục tiêu sản xuất nội địa mọi hàng hóa có thể mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, không một quốc gia nào có thể vừa phát triển thịnh vượng vừa theo đuổi chiến lược tự cung tự cấp. Việc kìm hãm thương mại sẽ làm tăng chi phí và giảm khả năng cạnh tranh, đẩy mọi người vào tình thế khó khăn hơn.

Hướng đi đúng đắn

Chính phủ Mỹ cần nhìn nhận khả năng chống chịu theo nghĩa rộng và tập trung vào trách nhiệm cụ thể của chính mình.

Trên bình diện quốc tế, Mỹ cần phục hồi Tổ chức Thương mại Thế giới để các quốc gia đồng ý giữ cho biên giới rộng mở trong thời kỳ khủng hoảng và hạn chế các hành vi bóp méo dòng chảy thương mại. 

Tại nước nhà, Mỹ cần hỗ trợ khả năng gia tăng năng lực sản xuất đột biến của doanh nghiệp tư với các hợp đồng dài hạn, bổ sung Kho dự trữ Quốc gia Chiến lược với các hàng tồn kho và hệ thống phân phối hiện đại, đủ khả năng phân bổ thiết bị tới nơi cần thiết trong trường hợp khẩn cấp.

Khả năng chống chịu thực sự cũng đồng nghĩa với việc biến nước Mỹ thành địa điểm sản xuất hấp dẫn. Chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, tài trợ và thúc đẩy năng lực sản xuất cần thiết để hỗ trợ những ngành công nghiệp của tương lai.

Về phần mình, doanh nghiệp cần rút ra kinh nghiệm từ năm ngoái và làm tốt hơn việc xác định và quản lý chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp không nên chờ đợi chính phủ chỉ đạo việc này vì nỗ lực của họ chắc chắn sẽ được đền đáp: Sớm hay muộn, một biến cố bất thường như COVID-19 cũng sẽ xuất hiện.

Giang

Khối ngoại đẩy mạnh xả ròng hơn nghìn tỷ đồng trên HOSE, đâu là tâm điểm?
NĐT nước ngoài duy trì xu hướng bán ròng phiên thứ 5 liên tục với giá trị 1.051 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong khi đó, khối này mua ròng tổng cộng gần 120 tỷ đồng trên HNX và thị trường UPCoM.