|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chiến lược đầu tư chứng khoán năm 2023: Chuyên gia gợi ý những nhóm ngành và 'ba chữ cái', tỷ trọng tiền mặt bao nhiêu là hợp lý

15:00 | 12/12/2022
Chia sẻ
Các ý tưởng đầu tư cho năm 2023 được các chuyên gia là cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước, công ty có tỷ trọng tiền mặt cao, hay những đơn vị có lợi nhuận ổn định, ít bị tác động bởi việc thay đổi lãi suất. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể nắm giữ tỷ trọng tiền mặt nhất định để chờ đợi các cơ hội.

Trong chương trình DInsights tháng 12 diễn ra chiều ngày 9/12, các chuyên gia đến từ VNDirect và IPAAM đã đưa ra những chiến lược đầu tư và quản lý tài sản cho năm 2023.

Theo đó, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Đầu Tư IPAAM chia sẻ trong năm 2023, IPAAM tập trung tìm kiếm cơ hội và chú trọng vào ba loại doanh nghiệp, một là các doanh nghiệp được hưởng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thứ hai là tỷ lệ sở hữu của Chính phủ cao.

IPAAM ưu tiên các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước, ví dụ trong các ngân hàng, nhóm thương mại Cổ phần sẽ được xếp sau các Ngân hàng Quốc doanh.

Thứ ba là các doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, do lợi suất tiền gửi đang ở mức rất cao và dự báo xuyên suốt ít nhất trong ba quý đầu năm 2023, lãi suất trong nước vẫn ở mức cao. Những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt như bảo hiểm hay tổng công ty có số dư tiền mặt lớn (đa phần thuộc sở hữu Nhà nước).

Chương trình DInsights tháng 12 với chủ đề Triển vọng kinh tế và Chiến lược đầu tư năm 2023. (Ảnh chụp màn hình).

Ông Hoàng giải thích thêm nhiều tiền mặt ở đây tức là tổng tiền mặt và nợ (Net Cash) dương. Mặt bằng lãi suất cao sẽ giúp cho EPS của doanh nghiệp tăng và PE chắc chắn giảm nếu giá không tăng ví dụ như ngành bảo hiểm.

Cụ thể hơn về tỷ lệ phân bố tài sản, ông Hoàng Việt Anh, Giám đốc Khách hàng lớn VNDirect chia sẻ đối với nhà đầu tư cá nhân có khẩu vị rủi ro tương đối thận trọng và có kiến thức cơ bản về thị trường, ông Việt Anh khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức cao đến 40% để chờ những cơ hội, do chi phí cơ hội hiện nay rất cao, nhà đầu tư hoàn toàn có thể có những kỳ hạn tương đối thấp nhưng lãi suất lên đến mức khá cao. Phần còn lại phân bổ giữa trái phiếu và cổ phiếu.

Thời gian vừa qua nhà đầu tư coi trái phiếu như "tội đồ", nếu xét về mặt lý thuyết, trái phiếu ít rủi ro hơn cổ phiếu, cùng một doanh nghiệp nếu gặp vấn đề như vỡ nợ thì người sở hữu trái phiếu sẽ được trả lại tiền trước. Phần phân bổ vào cổ phiếu nên theo hướng hưởng cổ tức nhiều hơn với những mã thuộc ngành có dòng tiền chắc chắn như ngành điện và những doanh nghiệp tương đối ổn định.

Ông Việt Anh chia sẻ: "Đối với nhà đầu tư thận trọng, giai đoạn đầu tiên nên là phòng thủ, có thể là 6 tháng hoặc nhiều hơn vì còn phụ thuộc vào diễn biến bao giờ thị trường mới thoát ra khỏi vùng tiêu cực.".

Dự phóng tăng trưởng của các ngành trong năm 2023 và 2024. (Nguồn: VNDirect Research).

Về chiến lược đầu tư cổ phiếu trong năm 2023, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDirect cho rằng thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường chứng khoán mới nổi sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4 - 6 tháng.

Vì vậy, khi triển vọng ngưng thắt chặt dần sáng tỏ, VNDirect ưu tiên dịch chuyển sang các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng, tất nhiên phần lớn trong số đó ít nhiều có độ nhạy cảm với lãi suất. Cổ phiếu tiêu điểm bao gồm PC1, NLG, VHM, HPG, VRE, MWG, TCB và VPB.

Bên cạnh đó, đầu tư ESG (các khoản đầu tư chú trọng đến môi trường, xã hội và quản trị) ở Việt Nam hiện vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, song làn sóng này đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên thế giới và trong khu vực. Bất chấp tình hình khó khăn của năm 2022, các quỹ đầu tư ESG tại Singapore, Thái Lan và Indonesia ghi nhận tài sản ròng tăng gấp đôi với năm trước.

VNDirect cho rằng dòng vốn này sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều, và tất nhiên cơ hội định giá cao hơn sẽ lớn cho các doanh nghiệp đã triển khai thực thi ESG sớm. Cổ phiếu tiêu điểm bao gồm VNM, FPT, PNJ, STK, HDG, GMD, REE và BCG.

Diệu Nhi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.