|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiếm lĩnh thị trường dược phẩm: Lối nào cho thuốc Việt Nam?

11:01 | 05/11/2016
Chia sẻ
Có nhiều bệnh nhân đi khám bệnh vượt tuyến tại một bệnh viện tuyến Trung ương, tiền khám dịch vụ chỉ mất vài trăm ngàn đồng nhưng bất ngờ sau đó là tiền thuốc bác sỹ kê lại lên tới vài triệu, thậm chí gần chục triệu đồng.
chiem linh thi truong duoc pham loi nao cho thuoc viet nam
Ảnh minh họa (Nguồn: BizLIVE)

Rất đơn giản, bởi trong đơn thuốc hầu hết là thuốc ngoại nhập đắt tiền. Dường như câu chuyện về chi phí tiền thuốc được rất nhiều người bệnh quan tâm.

Trong ba năm trở lại đây, ngành y tế đang quyết liệt thực hiện mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam vừa để giúp người bệnh chi trả mức chi phí hợp lý và vừa thúc đẩy ngành công nghiệp dược trong nước phát triển.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tuyến cuối, thuốc nội giảm mạnh

- Xin ông cho biết, qua 3 năm thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cho đến nay đã đạt được kết quả như thế nào ?

Kết quả khảo sát cho thấy, từ khi Bộ Y tếtriển khai chương trình “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam” và hưởng ứng chỉ thị "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị và Chính phủ, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước được sử dụng tại các bệnh viện đã tăng lên rõ rệt.

Ở tuyến huyện, trước khi triển khai đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước chiếm 61%, sau khi triển khai thì con số này đã tăng lên 69,3%, xấp xỉ 70%. Đây là con số rất đáng khích lệ.

Ở tuyến tỉnh, trước khi triển khai đề án thì sử dụng thuốc trong nước đạt 31%, sau khi triển khai đã lên đến gần 35%.

Riêng về tuyến Trung ương thì con số này có khiêm tốn hơn, trung bình đạt được 11%. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện tuyến Trung ương lớn thì tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể.

Chẳng hạn như tại Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệsử dụng thuốc sản xuất trong nước lên tới 30%, Bệnh viện Chợ Rẫy là 40% và đặc biệt là Bệnh viện Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) lên đến 65%.

- Ông có thể phân tích rõ hơn, vì sao tỷ lệ dùng thuốc trong nước ở các bệnh viện tuyến cuối lại thấp hơn các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện nhiều như vậy?

Đúng là hiện nay tỷ lệ dùng thuốc trong nước ở bệnh viện tuyến Trung ương trung bình là 11%. Nguyên nhân chính các bác sỹ đưa ra là do tuyến Trung ương là tuyến cuối, trong khi ở tuyến huyện, tuyến tỉnh chưa chữa được bệnh thì khi lên bệnh viện tuyến trên, các bác sỹ buộc phải dùng thuốc biệt dược nhiều hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng con số 11% là con số thấp. Chúng ta có thể cải thiện được tình hình, nếu có những chính sách tốt, đặc biệt làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền.

Xóa bỏ tâm lý “sính” thuốc ngoại

- Hiện nay không chỉ người bán thuốc, bác sỹ kê đơn mà kể cả người dân thường có quan niệm “sính” thuốc ngoại và có tư tưởng giá thuốc nội rẻ thì chất lượng thuốc không thể bằng thuốc ngoại. Theo ông, đối với những loại thuốc tương đương sinh học, thuốc Việt Nam so với các loại thuốccủaẤn Độ,Trung Quốc... khác nhau về mặt chất lượng như thế nào?

Về chất lượng thuốc phải căn cứ vào cơ sở khoa học. Sau khiLuật Dược ra đời, chúng tôi đang sửa đổi thông tư về thử thuốc tương đương sinh học.

Thông tư này rất quan trọng vì chúng tôi tăng số lượng thuốc phải thử tương đương sinh học lên, tăng cơ sở thử thuốc tương đương sinh học.Những thuốc trong nước chứng minh tương đương sinh học sẽ có được chỗ đứng xứng đáng trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc.

- Vậy còn về tâm lý “sính” thuốc ngoại, ông có ý kiến như thế nào về quan điểm này?

Thực ra trong thời gian triển khai đề án, chúng ta đã thấy được một số khó khăn. Đó là thói quen của người dân, kể cả các bác sỹchưa tin dùng thuốc nội và thói quen kê thuốc, thói quen dùng thuốc của nước ngoài vẫn còn phổ biến trong một phận không nhỏ bác sỹ, người dân.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huykết quảđạtđược và đẩy mạnh công tác truyền thông để dần thay đổi nhận thức của mọi người.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng thuốc thông qua việc đưa ra những bằng chứng khoa học thuốc của Việt Nam tương đương sinh học cũng là tương đương điều trị, tương đương chất lượng với thuốc ngoại nhập.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là vai trò của người bác sỹ trong việc kê đơn và tư vấn thuốc sản xuất trong nước. Đây chính là những người quyết định dùng thuốc cho bệnh nhân. Vì vậy, người thầy thuốc có vai trò rất quan trọng trong việc tăng tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Tạo đột phá cho nền công nghiệp dược Việt Nam

- Vậy trong thời gian tới, chúng ta có những giải pháp cũng như đề án như thế nào để tăng thêm thị phầncủa thuốc nội trong các bệnh viện, đặc biệt là tuyến Trung ương?

Bộ Y tế luôn đưa ra chính sách để khuyến khích và đặc biệt để ưu tiên cho thuốc trong nước. Điển hình như thuốc y học cổ truyền và thuốc dược liệu. Đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố 146 sản phẩm thuốc nếu mà doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp sẽ không nhập khẩu. Với 146 sản phẩm này có tỷ lệ sử dụng rất lớn thì đây là một cú hích cho nền công nghiệp dược của Việt Nam.

Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để người bác sỹ và người bệnh hiểu được đúng và tin dùng chất lượng thuốc sản xuất trong nước.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp trên thì trong thời gian tới, thị trường thuốc sản xuất trong nướcsẽ có chỗ đứng xứng đáng trong thị trường.

- Cục trưởng đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh của doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam trong thị trường thuốc hiện nay?

Đến hết năm 2015, cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới,” doanh thu sản xuất trong nước ngày càng tăng. Thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng thuốc (về giá trị tiền thuốc sử dụng); đã sản xuất được 10/12 loại vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng...

Tôi cho rằng, với những chính sách tạo điều kiện như hiện nay, các doanh nghiệp dược phẩm trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh được trong thị trường dược phẩm nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng Cục Quản lý Dược!

Thùy Giang