|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chỉ số sản xuất công nghiệp tích cực trở lại, Trà Vinh, Bắc Giang giữ vững phong độ

15:47 | 29/10/2023
Chia sẻ
Trong tháng 10, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 4,1% kéo luỹ kế 10 tháng tăng 0,5%. Trong đó, Trà Vinh, Bắc Giang là hai địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP tốt nhất trong 10 tháng đầu năm lần lượt là 23,7% và 18,2%.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/10, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9%; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), đóng góp 0,7 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, đóng góp 0,2 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%, đóng góp 0,1 điểm %; ngành khai khoáng giảm 3,2%, làm giảm 0,5 điểm % trong mức tăng chung.

Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,3%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 5,9%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,3%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,5%. 

 10 địa phương có tốc độ tăng IIP cao nhất trong 10 tháng đầu năm. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là Đắk Lắk tăng 36,9%; Bắc Giang tăng 18,6%; Phú Thọ tăng 16,8%; Nam Định tăng 14,4%; Kiên Giang tăng 14%; Hải Phòng tăng 13,5%; Hà Nam tăng 13,1%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 123,6%; Thái Bình tăng 78,7%; Trà Vinh tăng 32,4%.

10 địa phương có tốc độ IIP giảm mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Hòa Bình tăng 0,7%; Quảng Nam giảm 30,4%; Bắc Ninh giảm 13,1%; Vĩnh Long giảm 12,3%; Sóc Trăng giảm 7,6%; Lào Cai giảm 5,1%.

Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm: Sơn La giảm 27,3%; Quảng Nam giảm 22,4%; Hà Giang giảm 20,3%; Lai Châu giảm 20,2%; Điện Biên giảm 17,6%; Hòa Bình giảm 14,7%; Lào Cai giảm 11,1%. Địa phương có ngành khai khoáng 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm: Vĩnh Long giảm 83,1%; Hà Giang giảm 52,7%; Điện Biên giảm 6,4%. 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2023 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,6% và giảm 2,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2% và giảm 0,9%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,0% và giảm 1,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và giảm 1,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,4%.

Hạ An