BĐS công nghiệp hút các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản công nghiệp được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới trong quý III như VSIP II quy mô 500 ha tại Nghệ An, VSIP Cần Thơ quy mô 900 ha, VSIP Bắc Ninh II quy mô 282 ha, Khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250 ha tại Bắc Ninh, Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410 ha tại Đồng Nai…
Theo khảo sát của một số tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản thì nhu cầu thuê và công suất cho thuê bất động sản công nghiệp trong quý III có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở khoảng 85 - 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Tỷ lệ giao dịch đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn 20% so với cả năm 2022.
Giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý III cơ bản ổn định so với quý trước. Giá thuê đất công nghiệp trung bình tại các thị trường cấp 1 ở miền Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường ghi nhận các giao dịch lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản, với đa dạng các ngành công nghiệp như cơ khí, hóa chất, nhựa, cao su, điện tử.
Thống kê của Savills Việt Nam chỉ ra, trong nửa đầu năm 2023, phía Bắc thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất đối với lĩnh vực sản xuất với 3,4 tỷ USD, tương đương 63% dự án FDI sản xuất đăng ký mới với 238 dự án mới.
Trong đó, Bắc Giang chiếm 20% tổng dự án đăng ký mới với 1,06 tỷ USD bao gồm khoản đầu tư nhà máy Fulian Precision Technology của Singapore, trị giá 621 triệu USD và dự án của LONGi Green Energy Technoly Co. Ltd, trị giá 140 triệu USD. Bắc Ninh đứng thứ ba toàn quốc về thu hút FDI sản xuất với 9% tổng vốn đăng ký trị giá 486 triệu USD.
Xét về ngành nghề đầu tư, trong nửa đầu năm 2023, thiết bị điện chiếm tổng vốn đầu tư FDI sản xuất đăng ký mới lớn nhất với 21%, trị giá 1,14 tỷ USD. Tiếp đó là ngành máy tính, điện tử và sản phẩm điện với tổng vốn đầu tư chiếm 20% và các sản phẩm cao su, nhựa chiếm 15%.
Phân theo vùng kinh tế, có thể thấy tại Vùng kinh tế phía Bắc, các lĩnh vực nhận được vốn đầu tư mới chủ đạo là máy vi tính, điện tử và các sản phẩm điện, chiếm 19% tống vốn đầu tư toàn vùng; tiếp đó là thiết bị điện (15%); sản phẩm từ cao su và nhựa chỉ ở mức 5% và xe cơ giới là 4%.
Trong khi đó, tại Khu vực Kinh tế phía Nam, bức tranh có phần trái ngược khi các sản phẩm từ cao su và nhựa có lượng vốn đầu tư lớn nhất, chiếm 10% tổng vốn đầu tư sản xuất toàn vùng, sản xuất chế tạo từ kim loại chiếm 4% và nước uống chiếm khoảng 3%.
Ngoài ra, các nhà sản xuất và năng lượng mặt trời cũng được ghi nhận xu hướng dịch chuyển về phía Bắc. Ba trong số năm dự án sản xuất hàng đầu ở Khu Kinh tế phía Bắc vào năm 2022 thuộc lĩnh vực liên quan tới năng lượng mặt trời. Trong số 30 nhà sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời trên cả nước, 77% ghi nhận tại Khu kinh tế Phía Bắc và chỉ 23% ở Khu kinh tế Phía Nam.
Trong đó, Trina Solar là nhà đầu tư lớn nhất với dự án trị giá 275 triệu USD tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Các nhà đầu tư phần lớn đến từ Trung Quốc, Hong Kong và Singapore.
Nửa đầu năm 2023, nhà sản xuất module năng lượng mặt trời Thornava Solar của Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu sản xuất tại nhà máy hiện đại với công suất hàng năm là 1 gigawatt tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh. Trong năm 2023, Tập đoàn tư nhân Việt Nam AD Green khánh thành nhà máy với công suất 3 gigawatt trị giá 45 triệu USD, sản xuất các tấm pin mặt trời cho thị trường trong và ngoài nước. Cơ sở này có diện tích gần 8 ha tại Cụm công nghiệp An Ninh, huyện Tiến Hải, Thái Bình.
Theo Savills, nhóm khách thuê chính tại Khu vực phía Bắc là các khách thuê trong lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, bao gồm: Điện tử và máy vi tính, ô tô, máy móc và thiết bị và sản xuất liên quan đến năng lượng mặt trời với các khách thuê là các tập đoàn quy mô lớn như Samsung, LG Electronics, Foxconn, Canon, Hyundai, Honda và Vinfast.
Trong khi đó, khách thuê chủ yếu tại phía Nam là các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su và nhựa, thực phẩm và nước giải khát, vật liệu xây dựng và may mặc.
Song, theo ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp Savills Việt Nam, giá thuê đất hiện nay tại Khu Kinh tế phía Bắc đã vượt hai chữ số, làm giảm sự cạnh tranh của Khu Kinh tế Phía Bắc so với Phía Nam. Giá đất cao hơn có thể cản trở các doanh nghiệp điện tử, ô tô và sản xuất năng lượng mặt trời mới gia nhập. Đây là những nhà đầu tư muốn sở hữu các khu đất lớn nhưng phải với giá thành hợp lý.