|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chi phí xử lý nợ xấu của BIDV dự kiến tiếp tục cao các năm tới

19:15 | 18/10/2016
Chia sẻ
Nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng dự báo rủi ro tín dụng, đồng thời khiến chi phí xử lý nợ xấu sẽ tăng. Ngoài ra, BIDV vẫn chưa có động thái đáng kể nào về việc tăng vốn dù đây là một vấn đề cấp bách đối với ngân hàng.

Đây là nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID - HoSE) được công bố gần đây. Theo CTCK này, kết quả kinh doanh hai quý đầu năm đang cho thấy chất lượng tài sản của BIDV đang có dấu hiệu đi xuống. Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC thuộc hàng "Top" khiến nhiều khả năng chi phí liên quan đến nợ xấu sẽ tiếp tục cao trong các năm tới. Việc chậm trễ tăng vốn cũng được nhận định sẽ cản trở hoạt động cho vay của BIDV.

Dự kiến, ĐHĐCĐ bất thường của BIDV sẽ được tổ chức vào ngày 22/10 tới đây, bàn về việc sửa đổi quy định về người đại diện pháp luật của BIDV, thay vì là Chủ tịch HĐQT, Điều lệ sẽ sửa đổi người đại diện là Tổng Giám đốc.

Chất lượng tài sản của BIDV đang có dấu hiệu đi xuống

VCSC chỉ ra NIM của BIDV giảm từ 2,6% trong Quý I/2016 xuống 2,2% (quý II/2016). Trong Quý II, BIDV ghi nhận nợ nhóm 2 tăng 39%, hay 7.400 tỷ đồng. Vì một lượng lớn nợ được chuyển từ nhóm 1 xuống nhóm 2, BIDV phải thoái thu lãi lũy kế liên quan khỏi thu nhập lãi, khiến lợi suất cho vay giảm 43 điểm cơ bản so với quý I/2016. Ngoài lý do chính này, NIM quý II giảm còn bởi lợi suất chứng khoán đầu tư và liên ngân hàng cũng giảm vì thanh khoản hệ thống dồi dào. Việc chất lượng tài sản đi xuống là yếu tố chính khiến NIM quý II bị ảnh hưởng.

Tăng trưởng cho vay 6 tháng đầu năm tích cực nhưng thấp hơn so với các ngân hàng niêm yết khác do hạn chế về vốn. Tháng 8/2016, BIDV đã phát hành 2.700 tỷ đồng nợ thứ cấp, kỳ hạn 10 năm để tăng vốn loại hai. Sau khi tăng vốn, BIDV có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho vay trong 6 tháng cuối năm để bù đắp cho việc NIM giảm.

Còn về tăng trưởng tiền gửi mạnh giúp tỷ lệ cho vay/tiền gửi (LDR) giảm. LDR của BIDV đã giảm từ 95% cuối năm 2015 xuống 89,6% trong 6 tháng đầu năm 2016. VCSC nhận định ngân hàng này có thể đưa LDR xuống dưới mức trần 80% trong năm nay nhờ tích cực huy động vốn.

Nợ xấu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận

NIM giảm nhưng BIDV đã thu về khoản lãi khủng từ thoái vốn Public Bank Việt Nam. Nếu không tính thu nhập bất thường, lợi nhuận trước dự phòng tăng 4,6% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 21,5%.

Theo VCSC, nợ xấu đã ảnh hưởng đến BIDV theo hai hướng. Cụ thể, BIDV phải thoái thu thu nhập lãi khi nợ bị quá hạn, khiến NIM giảm. Chi phí xóa nợ, chi phí dự phòng rủi ro, và chi phí thu hồi nợ bào mòn lợi nhuận của ngân hàng. Do có lượng nợ xấu và trái phiếu VAMC lớn, chi phí xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận trong các năm tới.

VCSC nhận định chi phí dự phòng tăng không gây ngạc nhiên vì BIDV có gánh nặng dự phòng ngày càng lớn do có tổng nợ xấu chính thức và trái phiếu VAMC lớn nhất trong số các ngân hàng.

Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC 33.800 tỷ đồng và tổng dự phòng cho nợ và trái phiếu VAMC 13.200 tỷ đồng cho thấy quá trình xử lý nợ xấu vẫn sẽ còn kéo dài.

Bên cạnh nợ xấu chính thức và trái phiếu VAMC, còn có những khoản nợ từ các khách hàng lớn, nhiều khả năng sẽ được tái cơ cấu mà không phải chuyển nhóm nợ, nên sẽ không bị tính vào con số nợ xấu. Nếu các khoản vay được phép tái cơ cấu thì điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho BIDV nhưng sẽ làm gia tăng rủi ro của ngân hàng này.

Dự phòng hiện nay cho tín dụng và trái phiếu VAMC chỉ bằng 39% tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC. Do đó, VCSC nhận định rằng chi phí xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục cao trong các năm tới.

Theo tính toán của CTCK này , lượng trái phiếu VAMC mà BIDV nhận trong năm 2015 là 12.600 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2014 nên dự phòng bắt buộc ghi nhận năm 2016 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2015. BIDV đã hạn chế xóa nợ xấu để giảm trích lập dự phòng vì hoạt động này không mang tính chất bắt buộc. Tuy nhiên, giảm xóa nợ giảm cũng đồng nghĩa tăng nợ xấu.

Vẫn cần tăng thêm vốn để giữ tăng trưởng cho vay 17%-18%

ĐHCĐ đề ra kế hoạch tăng vốn 27,6% trong năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển. Tuy tăng vốn là một vấn đề cấp thiết tại BIDV, triển vọng thành công còn chưa rõ ràng.

Trong số 27,6% này, 8,5% phát hành quyền mua phụ thuộc vào quyết định hỗ trợ của Chính phủ, và kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5% bị Bộ Tài chính phản đối. Do CAR hợp nhất cuối năm 2015 là 9,8%, kế hoạch tăng vốn này là nỗ lực của ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay và đảm bảo CAR năm sau đúng quy định.

VCSC nhận định nếu BIDV thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn đã đề ra trong năm 2016, ngân hàng vẫn cần thực hiện thêm một đợt phát hành riêng lẻ nhằm duy trì tăng trưởng cho vay 17%-18% từ năm 2017 trở đi.

Tuy nhiên, các thông tin hiện tại cho thấy dường như tính khả thi của kế hoạch tăng vốn này không cao vì cho đến tháng 09/2016 ngân hàng vẫn chưa cho thấy nhiều tiến triển. Nhiều khả năng năm nay, BIDV chỉ có thể thực hiện được một phần kế hoạch ban đầu. Trong đó, việc phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 4,4% từ nguồn tiền thu về từ việc thoái vốn khỏi các công ty con có nhiều khả năng thành công bởi BIDV đã hoàn tất thoái vốn tại Public Bank Việt Nam.

Nếu không có vốn bổ sung từ các nguồn khác, tăng trưởng tín dụng sẽ chững lại và BIDV có thể sẽ cần phát hành thêm nợ thứ cấp để tăng vốn cấp 2, dù không còn nhiều dư địa để phát hành nợ thứ cấp.

Theo Thanh Thủy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.