|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chỉ 6/106 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại COD

10:20 | 03/10/2021
Chia sẻ
Tính đến cuối tháng 9, mới có 6 trong số 106 dự án điện gió đăng ký được công nhận thử nghiệm, vận hành thương mại. Nguyên nhân tiến độ bị ảnh hưởng một phần vì dịch COVID-19.
Chỉ 6/106 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại COD - Ảnh 1.

Dự án điện gió 7A tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư. (Ảnh minh họa: Hà Đô).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cập nhật tình hình công nhận vận hành thương mại (COD) đối với các nhà máy điện gió tính đến ngày 30/9.

Cụ thể, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD), đến cuối tháng 9, có 6 nhà máy điện gió tổng công suất 272,4 MW được công nhận COD.

Các dự án điện gió này bao gồm Hòa Bình 1 giai đoạn 2 do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh làm chủ đầu tư; dự án điện gió Số 5 Ninh Thuận và nhà máy Ea Nam của Trungnam Group, dự án điện gió 7A của Tập đoàn Hà Đô, nhà máy điện gió Đông Hải 1 giai đoạn 2 do CTCP Điện gió Bắc Phương làm chủ đầu tư và nhà máy BIM thuộc BIM Group. 

Chỉ 6/106 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại COD - Ảnh 2.

Chi tiết 6 nhà máy điện gió đã được công nhận COD tính đến cuối tháng 9. (Nguồn: EVN).

Theo Quyết định 39, giá FIT (giá ưu đãi cố định) cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent/ kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Tại họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Công Thương ngày 30/9, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (thuộc Bộ Công Thương) cho biết nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực để có thể đưa dự án kịp tiến độ hưởng giá FIT. 

Trong thời gian qua, đơn vị cũng đã nhận được rất nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, các chủ đầu tư kéo dài thời gian hưởng giá FIT vì tiến độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không kịp đưa vào vận hành trước 31/10.

Sau ngày giá FIT của điện gió hết hạn, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất các phương án đấu thầu của chủ đầu tư để xác định giá điện gió.

Cục trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang khẩn tưởng nghiên cứu, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với luật đầu tư, luật đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan.

"Trong tương lai chúng ta sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, việc xác định giá sẽ trên nguyên tắc thương thảo giữa chủ đầu tư và bên mua điện theo khung giá Bộ Công Thương quy định", ông Dũng thông tin.

Đại diện Bộ Công Thương nói thêm, "trong cơ chế chúng tôi đang xây dựng có xem xét các dự án thực hiện dở dang và có thể không kịp vận hành trước ngành 31/10/2021 để xử lý trên nguyên tắc chi phí vận hành nhà máy chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện".

Minh Hằng

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...