Chen ngang vào mối quan hệ Renault-Nissan-Mitsubishi, Fiat Chrysler đề xuất sáp nhập với hãng xe Pháp
Renault và FCA muốn hình thành mối quan hệ hợp tác
Fiat Chrysler Automobiles (FCA) sẽ đề xuất sáp nhập với Renault vào hôm nay (ngày 27/5), tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin thân cận cho hay.
Một công nhân lắp ráp chiếc Alfa Romeo tại Italy. (Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận này sẽ được theo dõi sát sao vì tác động của nó đối với một trong những liên minh ngành ô tô lớn nhất thế giới.
Renault được dự đoán sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng quản trị vào hôm nay.
Phi vụ sáp nhập giữa hai nhà sản xuất ô tô có cùng nguồn gốc châu Âu sẽ tạo nên qui mô lớn hơn để tăng biên lợi nhuận và đầu tư vào phát triển xe điện và xe tự lái.
Mục tiêu không phải là để Renault mua lại FCA, mà là nhằm hình thành mối quan hệ đối tác với hãng xe hơi này.
FCA - nhà sản xuất xe Jeep, Maserati và Alfa Romeo - đã bán được 4,84 triệu đơn vị trên khắp thế giới vào năm ngoái. Tính thêm doanh số bán xe của Renault, liên minh mới sẽ bán tổng cộng 8,72 triệu chiếc ô tô và vượt qua General Motors của Mỹ (tập đoàn xếp thứ 4 về doanh số toàn cầu trong năm 2018).
Renault vẫn đang bận thành lập liên minh khác với Nissan và Mitsubishi
Đề xuất trên xuất hiện vào thời điểm Renault đã sẵn sàng cho cuộc họp ban điều hành để thành lập liên minh với Nissan Motor và Mitsubishi Motors tại thành phố Yokohama của Nhật Bản vào ngày 29/5 sắp tới.
Mối quan hệ hợp tác giữa Renault và FCA được dự đoán sẽ không thay đổi cấu trúc liên minh hiện tại của hãng xe Pháp với Nissan và Mitsubishi.
Đại diện của FCA và Renault đều từ chối bình luận. Một giám đốc của Nissan cho biết hãng xe Nhật Bản không hay biết gì về các cuộc thảo luận giữa FCA và Renault.
Nếu FCA gia nhập liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi, tổng doanh số hàng năm sẽ đạt 15 triệu chiêc xe, dễ dàng vượt qua Tập đoàn Volkswagen của Đức (hiện đứng số một thế giới vào năm ngoái với 10,83 triệu chiếc).
FCA sẽ hưởng lợi nhiều từ thương vụ sáp nhập tiềm năng với Renault
Khác với liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi - vốn không có thế mạnh trong các dòng xe sang trọng, FCA lại nắm giữ nhiều thương hiệu xe cao cấp như Maserati và Alfa Romeo.
Lợi nhuận của FCA phụ thuộc chủ yếu vào doanh số bán xe tại Bắc Mỹ. Phi vụ sáp nhập với Renault (hãng ô tô gặt hái phần lớn lợi nhuận từ thị trường châu Âu) sẽ bổ sung cho các điểm yếu của mỗi bên.
FCA có thể sử dụng thỏa thuận để củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nissan và Mistsubishi, giúp hãng tiến sâu vào thị trường châu Á - nơi sự hiện diện của FCA là rất hạn chế.
Vụ sáp nhập cũng sẽ có lợi cho hai nhà sản xuất ô tô về khía cạnh sản xuất và đầu tư vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo và xe điện.
Việc phát triển xe ô tô điện tự động, được kết nối và chia sẻ - được xem là chìa khóa cho tương lai của ngành này - cần cực kì nhiều vốn đầu tư. Các hãng xe đang hợp tác với doanh nghiệp hơn để loại bỏ các khoản đầu tư chồng chéo.
Chẳng hạn, FCA đã kết hợp với đơn vị Alphabet của Waymo và đang đàm phán để sản xuất xe mang hệ thống tự lái của Waymo. Ngoài ra, hãng còn hợp tác công nghệ với BMW và Intel.
Tuy nhiên, FCA vẫn bị tụt lại phía sau các ông lớn ngành ô tô khác về xe điện và xe được kết nối công nghệ khá nhiều. Vụ sáp nhập với Renault có thể thúc đẩy các lĩnh vực này.
FCA đã nỗ lực tinh giản hoạt động kinh doanh bằng cách mở rộng qui mô. Ông Sergio Marchionne, giám đốc điều hành quá cố của công ty, trước đây đã đề xuất hợp tác với General Motors. Vào tháng 3/2019, Groupe PSA của Pháp được cho là đã đề xuất sáp nhập với FCA.
Ông Michael Manley, người vừa trở thành CEO của FCA hồi tháng 7/2018 ngay sau khi ông Marchionne qua đời ở tuổi 66, cũng đã cân nhắc khởi động một vụ sáp nhập hoặc hợp tác tiềm năng với các hãng ô tô khác.
"Chúng tôi đang mong đợi những cơ hội khác trong vài năm tới", ông Manley cho biết vào ngày 3/5 trong một buổi công bố lợi nhuận. "FCA sẽ đưa ra động thái tích cực".
Nhà sản xuất ô tô này đã ghi nhận lợi nhuận điều chỉnh trước lãi vay và thuế kỉ lục là 7,28 tỉ EUR (tương đương 8,16 tỉ USD) vào năm 2018 nhờ vào quản lí chi phí hiệu quả hơn.
FCA có kế hoạch nâng cấp các sản phẩm ít lợi nhuận của công ty, như các dòng xe Fiat nhỏ. Đồng thời, hãng xe hơi này cũng đang trong quá trình mở rộng các thương hiệu có lợi nhuận cao hơn như Jeep và Alfa Romeo từ mức doanh số 65% lên 80% trong 5 năm, kết thúc vào năm 2022.
Liên minh FCA-Renault vs. liên minh Renault-Nissan
Vụ sáp nhập FCA-Renault có thể sẽ ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận giữa Nissan và hãng ô tô Pháp này.
Renault đã đề xuất khởi động các cuộc đàm phán với Nissan về việc sáp nhập vào tháng 4 và được dự đoán sẽ gây thêm áp lực cho nhà sản xuất ô tô Nhật Bản để họ xem xét mối quan hệ vốn sau cuộc họp cổ đông chung của Nissan vào tháng 6 tới.
Hãng xe hơi Pháp sở hữu 43% cổ phần của Nissan, trong khi Nissan chỉ nắm giữ 15% cổ phần không có quyền bỏ phiếu tại Renault.
Nissan gần đây đã từ chối sự thúc giục của đối tác đến từ Pháp bởi họ tin rằng công ty đang đóng góp to lớn cho liên minh giữa họ và Renault. Được biết, Nissan chiếm hơn một nửa trong khoảng 10,75 triệu chiếc xe mà liên minh bán trên bán được trong năm 2018.