|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Phi - thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam

14:19 | 09/02/2017
Chia sẻ
Hiệp hội gỗ và lâm sản (Vietfores) cho hay, Châu Phi đang trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam với lượng gỗ nhập về tiếp tục tăng. Đáng chú ý, lượng gỗ tròn nhập về hàng năm lên đến 800.000 m3, chiếm gần 20% tổng lượng gỗ nhập khẩu. 
chau phi thi truong cung go nguyen lieu quan trong cua viet nam
Châu Phi đang trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam (Nguồn: VPA)

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu gỗ tròn và gỗ xẻ từ Châu Phi

Vietfores cho hay, hiện Châu Phi đang cung cấp nhiều loại nguyên liệu gỗ cho Việt Nam trong đó chủ yếu là gỗ tròn và gỗ xẻ với khối lượng ngày càng tăng.

Trong đó, lượng gỗ nhập khẩu tính riêng 10 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ đạt trên 518 nghìn m3, chiếm 36% trong tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam.

Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn từ khoảng 12 - 15 quốc gia khác nhau trong khu vực Châu Phi. Trong đó, khối lượng và kim ngạch gỗ tròn nhập khẩu từ Cameroon chiếm trên 50%.

chau phi thi truong cung go nguyen lieu quan trong cua viet nam

Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn từ Châu Phi từ 2013 (m3) (nguồn: Vietfores)

So với lượng gỗ tròn, lượng gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ Châu Phi chỉ chiếm khoảng 1/4 với hơn 132 nghìn m3. Mặc dù lượng nhập khẩu tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với gỗ tròn nhập khẩu từ thị trường này.

Theo Vietfores, trong số 18 quốc gia cung cấp gỗ xẻ cho Việt Nam từ Châu Phi, chỉ có 4 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu trên 5 triệu USD /quốc gia /năm, gồm Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo và Công hòa Congo.

chau phi thi truong cung go nguyen lieu quan trong cua viet nam

Lượng gỗ xẻ nhập khẩu từ Châu Phi vào Việt Nam 2013-2016 (m3) (Nguồn: Vietfores)

Nhập khẩu nguyên liệu gỗ Châu Phi, có an toàn cho ngành gỗ Việt Nam?

Hiện nay, nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Châu Phi chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là gỗ lim, xoan đào..., một số khác (cẩm, gõ đỏ, hương) được gia công chế biến thành bán thành phẩm để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong các quốc gia thuộc khu vực Châu Phi, đã có 5 quốc gia kí Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) với EU. Trong các quốc gia này, Cameroon và Ghana là 2 quốc gia có lượng cung gỗ lớn nhất cho Việt Nam. Hiện các quốc gia này đang thiết lập hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Trong tương lai, khi hệ thống này được đưa vào vận hành, gỗ nhập khẩu vào Việt Nam từ các nguồn cung này sẽ đáp ứng các yêu cầu của FLEGT VPA về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu.

Mặt khác, Vietfores cũng cho hay, nhập nguồn gỗ nguyên liệu từ Châu Phi có thể gặp rủi ro về tính hợp pháp. Bởi, một số quốc gia như Liberia có nguồn gỗ khai thác được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của các nhóm phiến quân chống lại chính phủ. Ở một số quốc gia khác như Congo và Mozambique, tình trạng gỗ khai thác bất hợp pháp vẫn diễn ra với tần suất và quy mô lớn. Theo đó, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nguồn này cũng phải đối mặt với các rủi ro về tính hợp pháp.

Ông Ngô Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Vietfores cho hay: "Để tránh các tác động tiêu cực và giảm rủi ro, về nguồn gỗ nguyên liệu, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin, không chỉ về các chính sách, thay đổi của chính sách quản lý tài nguyên tại các quốc gia cung gỗ cho mình mà cả các thông tin có liên quan trực tiếp đến các loài nhập khẩu. Các các cơ quan quản lý, bao gồm các đại diện thương mại của Việt Nam tại Châu Phi và các hiệp hội gỗ có vai trò rất lớn trong việc thu thập thông tin liên quan đến gỗ nhập khẩu và cung cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu. Điều này sẽ trực tiếp góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, góp phần vào duy trì và phát triển thương mại gỗ bền vững giữa Việt Nam và các quốc gia Châu Phi trong tương lai".

Hồng Vũ