|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu cận kề suy thoái nếu Nga tiếp tục cắt đứt dòng chảy khí đốt

08:07 | 29/04/2022
Chia sẻ
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo châu Âu có thể bị đẩy vào suy thoái nếu Nga tiếp tục siết nguồn cung khí đốt, sau khi Gazprom cắt dòng chảy năng lượng sang Ba Lan và Bulgaria.

Lạm phát đình trệ

Hôm 27/4, Gazprom - ông lớn năng lượng thuộc sở hữu của nhà nước Nga, thông báo tập đoàn sẽ cắt nguồn cung khí đốt sang hai nước Đông Âu là Ba Lan và Bulgaria sau khi họ từ chối yêu cầu của Moscow về việc thanh toán bằng đồng ruble.

Gazprom nói nguồn cung sẽ được khôi phục khi các nước đồng ý thực hiện giao dịch theo yêu cầu của Nga. Điều này đã khiến Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cáo buộc Moscow dùng khí đốt “tống tiền” châu Âu.

Thời hạn thanh toán của một loạt quốc gia châu Âu khác sẽ đến trong vài tuần tới và nhiều khả năng họ sẽ không đồng ý với điều khoản của Điện Kremlin. Giữa bối cảnh đó, công chúng ngày càng lo ngại Nga sẽ cắt đứt nguồn cung với các quốc gia “không thân thiện” trên diện rộng.

Trong một nghiên cứu mới, kinh tế trưởng Holger Schmieding và chuyên gia kinh tế cấp cao Kallum Pickering của ngân hàng Berenberg nhận định động thái cắt dòng chảy khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria là một lời cảnh báo từ Moscow rằng họ đang thực hiện lời đe dọa trước đó.

Khí đốt chiếm khoảng 25% sản lượng điện năng của Liên minh châu Âu (EU) và Nga hiện cung ứng khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của khối kinh tế chung, CNBC lưu ý.

Châu Âu đang phải đối mặt với những cú sốc kinh tế đồng thời từ cuộc chiến tại Ukraine và giá cả năng lượng lẫn thực phẩm tăng cao vì chiến sự. Điều này đã làm bùng lên lo ngại về “lạm phát đình trệ” - một hiện tượng mà kinh tế tăng trưởng thấp nhưng lạm phát duy trì ở mức cao.

Berenberg nhận định những khó khăn hiện nay có thể sẽ duy trì áp lực lạm phát đình trệ trong quý II của năm nay. “Nếu Nga bất ngờ cắt đứt nguồn cung khí đốt, châu Âu có thể bị đẩy vào suy thoái. Thiệt hại tức thời là rất khó lường trước”, hai nhà nghiên cứu của Berenberg cảnh báo.

“Dự báo GDP của EU sẽ mất 3 điểm % vào năm 2023 có vẻ hơi quá bi quan nhưng chắc chắn một động thái tiềm tàng từ Nga sẽ gây tác động lớn đối với hoạt động kinh tế khu vực cho đến cuối mùa lạnh tiếp theo…”, Berenberg thông tin thêm.

(Ảnh minh họa: Financial Times, Bloomberg).

Tuy nhiên, cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu cũng sẽ gây tốn kém cũng như rất khó thực hiện cho Nga. Ở diễn biến khác, dù hành động của Moscow đối với Ba Lan và Bulgaria có thể củng cố quyết tâm của EU trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhiều nước thành viên vẫn phản đối ban hành lệnh cấm nhập khẩu ngay bây giờ.

Trong khi Ba Lan đã công bố kế hoạch loại bỏ dần nhập khẩu nhiên liệu của Nga vào cuối năm nay, thì EU dự tính sẽ giảm đáng kể lượng mua khí đốt vào cuối năm 2022 và hướng tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2030.

Do đó, kịch bản cơ sở của Berenberg là EU sẽ nhanh chóng giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga nhưng không gây ra nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Theo đó, khối này có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2024.

“Trong trường hợp đó, giá năng lượng sẽ vẫn khá cao nhưng không thể tăng thêm. Châu Âu sẽ dần hấp thụ được cú sốc giá năng lượng, có khả năng trở lại đà tăng trưởng trong mùa hè tới, trừ khi các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc và chuỗi cung ứng xấu đi trong quý II”, hai nhà kinh tế của Berenberg giải thích.

Song, họ lưu ý rằng việc ngừng các dòng chảy khí đốt của Nga vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn có thể buộc một số nước châu Âu phải hạn chế tiêu thụ năng lượng đối với một số lĩnh vực nhất định trong cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Chuyên gia kinh tế Edward Gardner của hãng tư vấn Capital Economics cho biết thông báo từ Gazprom làm tăng nguy cơ thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng tại châu Âu, qua đó làm “trầm trọng thêm cuộc suy thoái” mà công ty này đã dự đoán cho khu vực EU trong năm 2022.

“Nếu Nga cắt xuất khẩu khí đốt sang Đức, chính phủ nước này sẽ hạn chế tiêu thụ năng lượng. Các hộ gia đình có thể sẽ được ưu tiên hơn, nên những ngành công nghiệp như hóa chất và luyện kim sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, từ đó gây ra suy thoái kinh tế sâu sắc”, ông Gardner cảnh báo.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.