|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chất lượng tăng trưởng, vấn đề quan trọng hơn cả tăng vốn đối với BIDV

12:19 | 22/03/2021
Chia sẻ
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố báo cáo cập nhật về BIDV với nhận định biệc phát hành cổ phiếu tăng vốn là quan trọng với nhà băng này, nhưng chất lượng tăng trưởng là quan trọng hơn.

Theo VDSC, tính đến ngày 30/06/2020, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của BIDV là 8,97% theo Thông tư 41/2016 (Basel II), vốn cấp 1 chiếm 67%. Vào cuối năm 2020, CAR đã tiến đến ngưỡng 8%. Điều này làm tăng lo ngại về hạn mức tăng trưởng tín dụng vào năm 2021, do đó, gây áp lực lên quá trình tăng vốn.

Tại ĐHCĐ thường niên 2021 vừa qua, BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn 20,7% lên 48.524 tỷ đồng theo hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.

Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới (tương đương 8,5%) theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Với kế hoạch nâng vốn đề xuất tại ĐHCĐ, BIDV được kì vọng sẽ vẫn phụ thuộc một phần vào vốn cấp 2 - trái phiếu dài hạn, để tạo ra một biên độ an toàn ngay cả khi 8,5% cổ phiếu đang lưu hành được bán hoàn toàn theo giá thị trường hiện tại. Lý do cho sự phụ thuộc của BIDV đối với trái phiếu dài hạn là chất lượng tăng trưởng thấp, ăn mòn nền tảng vốn nhanh hơn so với sự đóng góp của lợi nhuận.

BIDV đúng ra đã hoàn thành quá trình tái cấu trúc vào năm 2020 nếu đại dịch không gây trở ngại. Với chi phí tín dụng cao hơn so với các ngân hàng so sánh, VDSC cho rằng BIDV không tạo ra được tỉ suất lợi nhuận đủ để bù đắp.

Theo đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) giảm 7% vào năm 2020 xuống còn 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành (3,4%). Trong trường hợp đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, NIM sẽ được hỗ trợ bởi việc các khoản vay tái cấu trúc quay lại trả lãi như bình thường.

Về phần danh mục đầu tư VDSC kì vọng BIDV sẽ tối ưu hóa lợi nhuận để trang trải một phần các giấy tờ có giá có lợi suất cao, chủ yếu bao gồm trái phiếu dài hạn, trong môi trường lãi suất thấp. Sự gia tăng lãi suất đối với các giấy tờ có giá gây áp lực lên NIM. Không may, BIDV đã phải dựa vào vốn cấp 2 để duy trì tăng trưởng tín dụng.

Do vậy, VDSC cho rằng việc tăng vốn sắp tới để giảm nhu cầu phát hành trái phiếu dài hạn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh lời trên tài sản (ROA) của BIDV thấp là kết quả của tăng trưởng tín dụng thấp, NIM bị áp lực và chi phí tín dụng cao, mặc cho nỗ lực duy trì chi phí hoạt động của BIDV. ROA dao động trong khoảng 0,5-0,7% trong 5 năm qua, với năm 2020 chứng kiến mức thấp nhất do tác động của đại dịch. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ (ROE) giảm xuống dưới 10% là hậu quả mặc dù đòn bẩy của BIDV khá cao trong ngành.

Bên cạnh lợi suất tạo ra chưa đủ, BID cũng phải dành khoảng 25% thu nhập hàng năm để tạo trích quỹ khen thưởng và phúc lợi. Kết hợp với điều này, lợi nhuận cho các cổ đông có thể thấp hơn chi phí vốn chủ sở hữu. Điều này cũng làm giảm sự đóng góp của lợi nhuận ròng vào vốn chủ sở hữu, qua đó, giảm mức tăng trưởng vốn cấp 1.

VDSC kì vọng BIDV sẽ sớm giải quyết các mối lo ngại này bằng cách tối ưu hóa lợi nhuận và rủi ro, cải thiện tài sản và chất lượng tăng trưởng cũng như đạt được một nền tảng vốn mạnh mẽ hơn. Nếu không, những khó khăn sẽ vẫn còn trong một thời gian nữa.

Quốc Thụy