Chân dung người đạo diễn vụ lật đổ Sam Altman tại OpenAI
OpenAI vừa trải qua cuộc "binh biến" đầy bất ngờ và kịch tính. Theo tạp chí Fortune, nhân vật chủ chốt đạo diễn vụ việc này là nhà khoa học trưởng của OpenAI, Ilya Sutskever. Ông cũng là tác nhân lớn khiến tỷ phú Elon Musk, không còn là bạn với đồng sáng lập Google, Larry Page.
Vị chuyên gia này là người đã khiến nhà sáng lập OpenAI - người có sức ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI là Sam Altman phải rời ghế điều hành sau lý do "không trung thực" với hội đồng quản trị. Ngay sau đó, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập OpenAI Greg Brockman cũng tuyên bố từ chức.
Nguồn cơn của việc hội đồng quản trị OpenAI loại bỏ Sam Altman được cho là có liên quan đến vấn đề đạo đức AI, trong đó Altman và Sutskever bất đồng về tốc độ thương mại hóa các sản phẩm AI tổng quát và các bước cần thiết để giảm thiểu tác hại có thể xảy ra cho cộng đồng.
Sự xuất hiện của Ilya Sutskever
Năm 2015, Ilya Sutskever được tỷ phú Elon Musk chiêu mộ với kỳ vọng hỗ trợ ông định hình dự án OpenAI. Cùng với Sam Altman, Greg Brockman và nhiều người khác, Ilya Sutskever trở thành những người tham gia đầu tiên vào OpenAI. Ông giữ vai trò nhà khoa học trưởng của công ty trí tuệ nhân tạo này.
Ilya Sutskever, người Canada gốc Do Thái, là chuyên gia hàng đầu về máy học sâu (deep learning). Ông sinh ra ở Nga (thời Xô Viết), trước khi chuyển tới Jerusalem. Ông dành phần lớn thời niên thiếu tại vùng đất Thánh trước khi tới Canada để theo đuổi ngành khoa học máy tính tại Đại học Toronto.
Thời sinh viên, Sutskever làm việc dưới sự chỉ đạo của Geoffrey Hinton - người được coi là "cha đẻ" của AI. Trong thời gian này, Ilya Sutskever bắt đầu với công ty khởi nghiệp DNNresearch do Geoffrey Hinton lãnh đạo .
Google đã mua DNNresearch vào năm 2013, sau đó Sutskever và Krizhevsky bắt đầu sống ở California trong khi Hinton ở lại Toronto. Sau khi DNNresearch được bán, Sutskever đã làm việc cho Brain Team của Google gần ba năm trước khi Elon Musk gọi điện đến.
Và ông đã từ bỏ Google để bước chân vào con đường khởi nghiệp mới. Tuy vậy, nguyên nhân sâu xa có liên quan đến sự an toàn của AI.
Trước đây, Elon Musk đã từng mô tả tầm quan trọng của Sutskever đối với sự thành công của OpenAI. Musk cho biết, ông đã tốn nhiều công sức để "chiêu mộ" Sutskever cho OpenAI.
OpenAI, khởi đầu là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, nhằm mục đích phát triển trí tuệ nhân tạo mang lại lợi ích cho nhân loại theo cách "không bị ràng buộc bởi nhu cầu tạo ra lợi nhuận tài chính" - điều này đúng với viễn tưởng của Elon Musk về một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp nguồn mở miễn phí, trở thành đối trọng với sức mạnh trí tuệ nhân tạo của Google. Ông chủ Tesla từ lâu đã cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm ẩn của AI.
Ở thời điểm đó, Demis Hassabis, đồng sáng lập và CEO của DeepMind (thuộc Google) cũng đang cố gắng giữ chân Sutskever ở lại với Google.
Musk nói: “Cả hai đều cố gắng chiêu mộ Ilya. Cuối cùng anh ấy đã đồng ý tham gia OpenAI. Đó là một trong những cuộc chiến tuyển dụng khó khăn nhất mà tôi từng trải qua, nhưng nó thực sự là mấu chốt giúp OpenAI thành công."
Vị tỷ phú thường nhắc tới các cuộc trò chuyện về trí tuệ nhân tạo với nhà đồng sáng lập Google, Larry Page khi cả hai còn là bạn bè. Ông cho rằng đó là nguồn gốc cho ý tưởng thành lập OpenAI. Musk nói rằng hai người thường tranh luận về sự an toàn của AI.
“Larry không quan tâm đến sự an toàn của AI, ít nhất là vào thời điểm đó", Musk nói. Vị tỷ phú bày tỏ điều khiến ông lo ngại là Google đã mua lại DeepMind và đội ngũ này sở hữu khoảng "2/3 số nhà nghiên cứu AI trên thế giới".
"Về cơ bản, họ có tiền và công nghệ máy tính, còn người phụ trách như Larry Page thì không quan tâm đến sự an toàn", Elon Musk từng nói.
Tình bạn của hai người đã tan vỡ vì OpenAI, nhất là khi Elon Musk tuyển dụng Ilya Sutskever. Musk gọi Sutskever là “một con người tốt – thông minh, có trái tim nhân hậu”.
Elon Musk rời hội đồng quản trị của OpenAI vào năm 2018 sau những bất đồng về hướng phát triển của công ty. Ông bày tỏ sự bất bình với định hướng của công ty dưới thời Sam Altman, đặc biệt là sau khi OpenAI chấp nhận khoản đầu tư hàng tỷ USD từ Microsoft và từ bỏ mục tiêu phi lợi nhuận. Musk hiện đã tạo ra một đối thủ cạnh tranh ChatGPT, có tên là Grok.
Đầu năm nay, vị tỷ phú đăng tweet như sau: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên nó là OpenAI) - một công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một nguồn đóng, công ty có lợi nhuận tối đa được kiểm soát bởi Microsoft. Đây không phải những gì tôi dự định".
Hồi tháng 7, Sutskever và Jan Leike, đồng trưởng nhóm khoa học đã có bài viết, thừa nhận họ bất lực trong việc kiểm soát trí tuệ nhân tạo. “Hiện tại, chúng tôi không có giải pháp nào để điều khiển hoặc kiểm soát một AI có khả năng siêu thông minh và ngăn chặn nó biến thành bất hảo”, Sutskever viết. Chỉ vài tháng sau đó, HĐQT của OpenAI với nhân tố chính là Ilya Sutskever sa thải CEO Sam Altman.
Nói về AGI hay trí tuệ nhân tạo tổng quát, Ilya Sutskever cho rằng: “ Những mô hình này rất tiềm năng và chúng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn." Bên cạnh các tiện ích hỗ trợ con người, Sutskever cảnh báo AI sẽ tạo ra những vấn đề mới như sự gia tăng tin tức giả và các cuộc tấn công mạng, vũ khí AI tự động và thậm chí là "các chế độ độc tài vô cùng ổn định".