|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chân dung doanh nghiệp mua dự án giá bèo của SAGRI dưới thời ông Lê Tấn Hùng

10:34 | 14/11/2019
Chia sẻ
Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú - doanh nghiệp đầu ngành của dệt may Việt Nam có liên đới đến hàng loạt sai phạm đất đai của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn dưới thời ông Lê Tấn Hùng.

Mới đây, Thanh tra TPHCM đã có thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành các qui định pháp luật trong công tác quản lí, sử dụng đất đai; quản lí, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) – TNHH một thành viên.

Theo đó, kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm đất đai với SAGRI của Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (gọi tắt là Phong Phú).

Cụ thể, tại dự án Khu nhà ở Phước Long B (quận 9), SAGRI đã không thực hiện thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú.

Cùng với đó, việc kí hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú trong phân chia lợi nhuận cũng không đảm bảo quyền lợi của SAGRI.

img20190707094916dylb-15733116144051882785985

AGRI đã không thực hiện thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án Khu nhà ở Phước Long B cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú. (Ảnh: Tiền phong)

Theo kết luận thanh tra, Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú cũng đã kí 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc, mua nhà liền kề trong khi dự án đầu tư chưa được lập, phê duyệt, chưa hoàn tất hạ tầng kĩ thuật, là không đúng với qui định của pháp luật.

Ngoài ra, sai phạm của SAGRI còn ở việc chuyển nhượng 28% phần vốn góp, nhưng thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn chỉnh hạ tầng kĩ thuật tại dự án Khu nhà ở Phước Long B cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá thị trường.

Trong kết luận chuyển sang cơ quan điều tra cách đây không lâu, Thanh tra TP HCM cũng chỉ ra sai phạm của SAGRI liên quan đến Phong Phú trong việc chuyền nhượng đất vàng giá "bèo".

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2017, Hội đồng thành viên SAGRI đã thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá chuyển nhượng hơn 168 tỉ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2)

Nghịch lí ở chỗ, mức giá mà Sagri thời ông Lê Tấn Hùng chuyển nhượng dự án này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, SAGRI thời ông Lê Tấn Hùng sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỉ lệ 28%, Tổng công ty Phong Phú là 72%.

Tên tuổi lớn ngành dệt may "sống nhờ" công ty liên doanh

Tổng Công ty cổ phần Phong Phú (Mã: PPH) được cổ phần hóa năm 2009 và trở thành công ty đại chúng vào năm 2012. Hiện tại, tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là công ty mẹ của PPH, nắm 50,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Trong khi đó, Vinatex vẫn do nhà nước (thông qua SCIC) chi phối với tỉ lệ 53%.

PPH 2

Lãnh đạo nắm giữ lượng cổ phần lớn.

Phong Phú Corp là tên tuổi lớn trong lĩnh vực dệt may, nhưng cũng là nhà đầu tư bất động sản được biết đến với loạt dự án đình đám như Green Pearl 378 Minh Khai (Hà Nội) gần 3 ha, dự án KĐT Sinh thái Đồng Mai (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) rộng 226 ha.

Trong đó, đáng chú ý là hai dự án hợp tác với SAGRI là Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B qui mô 3,7 ha và dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò diện tích 94 ha. Năm 2018, cả hai dự án này đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến công tác quản lí sử dụng đất tại SAGRI.

Phong Phú hiện là công ty mẹ của Công ty Cổ phần Dệt Đông Nam (35,99%), CTCP Dệt May Nha Trang (51,97%), CTCT Thương mại và Sản xuất Phú Trà (60,74%), Công ty TNHH Linen Supply Services (60%) và CTCP Dệt may Quảng Phú (71%).

Ngoài ra, Tổng công ty cũng đang góp vốn tại 10 doanh nghiệp liên doanh liên kết và đầu tư góp vốn vào một loạt doanh nghiệp khác.

Được mệnh danh là một trong các doanh nghiệp đầu ngành của dệt may Việt Nam nhưng hoạt động kinh doanh của PPH lại không mấy tươi sáng. Bình quân 3 năm gần đây nhất (2016 – 2018), doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PPH lần lượt đạt khoảng 3.252 tỉ đồng và 225,6 tỉ đồng.

PPH

Kết quả kinh doanh Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú giai đoạn 2015 – 9T/2019. (Nguồn: Tổng hợp BCTC).

Theo đánh giá của BVSC, trong những năm gần đây, kết quả hoạt động kinh doanh của PPH không thật sự hiệu quả.

Phần lớn lợi nhuận sau thuế của PPH chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ công ty liên doanh là TNHH Coats Phong Phú, nơi PPH nắm 35% vốn điều lệ với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất mua bán bông xơ sợi, với sản phẩm chủ lực là chỉ may.

Báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019, PPH tiếp tục báo lợi nhận sụt giảm so với quí trước. Cụ thể, doanh thu thuần quí này của Phong Phú đạt gần 726 tỉ đồng (giảm 24% so vói cùng kì) và lợi nhuận sau thuế đạt 55,4 tỉ đồng (tăng 31% so với cùng kì nhưng giảm 14% so với quí II).

Trong kì, PPH ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết lên tới 96,6 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kì, tuy nhiên, khoản lợi nhuận khác lại giảm.

Lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh thu thuần của Phong Phú đạt 2.534 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kì và lợi nhuận sau thuế đạt 187,8 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kì.

Tính tới cuối kì kế toán 30/9/2019, vốn điều lệ của Phong Phú 746,7 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 5.186 tỉ đồng (giảm 240 tỉ đồng so với đầu năm).

Nợ phải trả tính đến hết tháng 9/2019 của doanh nghiệp là 3.580 tỉ đồng, chiếm 69% tổng tài sản, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.172 tỉ đồng.

Ngoài ra, PPH đang ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn và cho vay ngắn hạn của khách hàng và các bên liên quan lần lượt là 637 tỉ đồng và 131,6 tỉ đồng cho vay ngắn hạn. Trong đó, 141,8 tỉ đồng phải thu ngắn hạn và 61,6 tỉ đồng cho vay đến từ CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú.

Liên quan đến SAGRI cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Lê Tấn Hùng (56 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn -Sagri); Nguyễn Thành Mỹ (cựu phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Sagri); Vân Trọng Dũng (52 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri); Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi, cựu kế toán trưởng Sagri) để điều tra tội Vi phạm qui định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.