‘Đất vàng’ do Sagri quản lí về tay Tập đoàn Trung Thủy như thế nào?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri – công ty mẹ) và Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thành Mỹ, để điều tra sai phạm "Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo Thanh tra TP HCM, Sagri có nhiều sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng". (Ảnh: Tiền Phong)
Theo xác định ban đầu của thanh tra TP HCM, Sagri có nhiều sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng" nhưng không xin ý kiến của UBND TP hoặc chưa được chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất… Trong đó, đáng chú ý là các thương vụ hợp tác đầu tư cùng tập đoàn Trung Thủy.
Sai phạm tại dự án nông nghiệp công nghệ cao 650 ha ở Củ Chi
Theo báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán của Sagri, ngày 2/8/2016, Sagri đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 90 với CTCP Tập đoàn Trung Thủy thành lập doanh nghiệp mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri để thực hiện dự án hợp tác đầu tư Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất 650 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP HCM. Dự án có diện tích 650 ha, tổng mức đầu tư 820 tỉ đồng.
Dự án đã được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư hồi tháng 7/2016.
Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri có vốn điều lệ 164 tỉ đồng, trong đó Sagri góp hơn 59 tỉ đồng (chiếm 36%), còn tập đoàn Trung Thủy góp gần 105 tỉ đồng (tương ứng 64% còn lại).
Tập đoàn Trung Thủy cam kết cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vào vốn điều lệ ban đầu và không tính lãi trong thời gian 3 năm kể từ ngày thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri.
Ngoài ra theo hợp đồng, tập đoàn Trung Thủy còn có nghĩa vụ thanh toán cho Sagri chi phí đầu tư vào đất còn lại tạm tính là 500 triệu đồng/ha về bồi thường chi phí đầu tư vào các tài sản trên đất, công giữ gìn đầu tư vào đất.
Ngày 10/12/2018, UBND TP đã ban hành Quyết định về việc thu hồi, hủy Quyết định ban hành trước đó vào năm 2016 về việc chấp thuận chủ trương thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp tại Củ Chi nói trên.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất của Sagri mới đây thông tin, dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi này nằm trong danh sách các dự án ngưng thực hiện hợp tác đầu tư theo chủ trương của UBND TP HCM.
Tương ứng, mới đây trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri vừa thông báo (ngày 3/7) về việc giải thể doanh nghiệp với lý do "hoạt động kinh doanh không hiệu quả".
Cũng theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri có mã số doanh nghiệp 0313958418, thành lập tháng 8/2016.
Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại Tầng 13, tòa nhà Miss Áo Dài, số 21 Nguyễn Trung Ngạn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM; người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trung Nghĩa.
Sagri đang quản lý khoảng 7.000 ha đất và tổng tài sản đến cuối năm 2018 hơn 3.000 tỉ đồng. (Ảnh: N. Lê)
Kết quả kiểm toán số 386/TB-KTNN của Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 8/2018 cũng từng chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến việc thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri.
Kết quả kiểm toán nêu: Về công tác quản lý sử dụng đất, Sagri đã bàn giao đất và tài sản trên diện tích hơn 140 ha đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM (công ty con) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
Việc này không đúng quy định tại Quyết định trước đó của UBND TP về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM: "Quản lý, sử dụng đúng mục đích… và không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào".
Còn về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, ngày 9/12/2015, Công ty Agrimexco (công ty con 100% vốn của Công ty mẹ) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 463 với CTCP Tập đoàn Trung Thủy để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên 5 khu đất do công ty quản lý, sử dụng nhưng thuộc diện phải di dời do không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ: Việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên thuộc ngành nghề kinh doanh đơn vị phải thoái vốn theo quy định tại Quyết định mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hồi năm 2012 và theo quy định không được đầu tư do Chính phủ ban hành năm 2015.
Từ cơ sở đã nêu, Kiểm toán Nhà nước khi đó đã kiến nghị Sagri xây dựng phương án tái cơ cấu khoản vốn đầu tư, đồng thời thanh lý hợp đồng hợp tác với tập đoàn Trung Thủy về việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Trung Thủy Agri.
Công ty TNHH Trung Thủy Agri do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (công ty con 100% vốn của công ty mẹ) góp vốn thành lập để đầu tư kinh doanh bất động sản bởi đây là lĩnh vực Sagri không được phép đầu tư theo quy định.
"Chiêu bài hợp tác" từ cao ốc Dreamplex 195 Điện Biên Phủ đến loạt dự án "đất vàng"
Thông qua hình thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Sagri, tập đoàn Trung Thuỷ cũng đã thâu tóm thành công nhiều lô "đất vàng" mà Sagri đang nằm quyền quản lý tại TP HCM.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất của Sagri cho biết, cao ốc văn phòng 195 trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM có quy mô 10 - 12 tầng, diện tích sàn 12.332 m2, tổng mức đầu tư 146 tỉ đồng.
Sở Xây dựng đã đồng ý cho Sagri nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 5/2019. Hiện toà nhà đã đi vào hoạt động và đang được tập đoàn Trung Thuỷ khai thác kinh doanh.
Báo Infonet mới đây có bài viết nhận định thương vụ hợp tác của Sagri và tập đoàn Trung Thủy tại dự án Dreamlex 195 là thương vụ "gạo đã thành cơm" bởi từ năm 2016, hai bên đã ký hợp đồng hợp tác xây dựng tòa cao ốc với thời hạn hợp tác 20 năm. Trong năm 2017, Sagri ghi nhận khoản doanh thu 10 tỉ đồng từ việc hợp tác này.
Sagri và tập đoàn Trung Thủy ký hợp đồng hợp tác phát triển dự án cao ốc Dreamlpex 195 trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh trong 20 năm. (Ảnh: N. Lê)
Cũng trong hai năm 2015 – 2016, Sagri đã ký hợp đồng hợp tác với loạt đối tác như Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận, Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Công ty Bất động sản Tín Nghĩa để thành lập các pháp nhân mới thực hiện dự án tại 17 mặt bằng, nhà đất với quỹ đất hơn 200.000 m2 nằm ở các vị trí đắc địa tại huyện Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Thạnh, quận 7…
Những thương vụ hợp tác này thường theo tỉ lệ góp vốn Sagri 27% và tập đoàn Trung Thủy 73% được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ kết luận là sai quy định của pháp luật, không được đầu tư ngoài ngành, không được chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào…
Sagri đang quản lý khoảng 7.000 ha đất và tổng tài sản đến cuối năm 2018 hơn 3.000 tỉ đồng. Nhưng năm 2018, tổng công ty này chỉ tạo ra được hơn 60 tỉ đồng lợi nhuận, chỉ bằng hơn một nửa con số của năm trước.
Tập đoàn Trung Thuỷ do bà Dương Thanh Thuỷ (người khai sinh thương hiệu Miss Aodai) thành lập năm 1994. Từ xuất phát điểm kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, đến năm 2003, tập đoàn lấn sân sang kinh doanh bất động sản.
Từ đó, tập đoàn Trung Thủy không ngừng mở rộng hoạt động và thương hiệu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh địa ốc. Doanh nghiệp được biết đến là nhà phát triển các dự án như: chung cư Lancaster tại số 20 Núi Trúc, Hà Nội; Lancaster Lincoln trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP HCM; Lancaster Legacy tại số 78 Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP HCM; Khu căn hộ cao cấp – văn phòng – trung tâm thương mại tại quận 1, TP HCM...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành ven biển như: Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Khu du lịch Nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại Bình Thuận; Khu du lịch Nghỉ dưỡng Trung Thủy (Đà Lạt)...