SAGRI nơi ông Lê Tấn Hùng từng làm Tổng Giám đốc đã 'bán' bao nhiêu dự án giá bèo, chi khống tiền đi nước ngoài?
Ông Lê Tấn Hùng là nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI). Ông Hùng vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam để điều tra sai phạm "Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Lê Tấn Hùng vừa bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam để điều tra sai phạm "Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Đồ hoạ: Tuổi Trẻ).
Ông Hùng được cho là có liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kéo dài từ năm 2014-2017 tại SAGRI - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP HCM, trong thời gian ông làm Tổng giám đốc tại công ty này.
Các sai phạm của SAGRI chủ yếu liên quan 1.900 ha đất cho thuê, hợp tác, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật, hoạt động đầu tư không hiệu quả dẫn đến thua lỗ kéo dài, thất thoát ngân sách Nhà nước…
SAGRI chuyển nhượng bao nhiêu dự án "giá bèo"?
Ngoài hoạt động chính trong lĩnh vực phức hợp về nông-lâm-thuỷ-hải sản, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên còn nắm một loạt các dự án đầu tư liên quan phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp, dự án nhà ở, khu dân cư tại nhiều quận, huyện vùng ven TP HCM, như quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi và một dự án nằm tại Bình Phước.
Hiện SAGRI nắm vai trò chủ đầu tư 7 dự án, với hàng nghìn hecta. Tổng đầu tư dự kiến của các dự án này lên đến gần 7.500 tỉ đồng.
Thanh tra TP HCM đã có kết luận, phát hiện một số vi phạm nghiêm trọng về việc chuyển nhượng đất dự án nhưng với "giá bèo" của SAGRI.
Kết luận của Thanh tra TP HCM mới đây cho biết SAGRI chuyển nhượng một số dự án với giá bèo. (Ảnh: Thanh Niên).
Một trong những dự án điển hình bị phát hiện chuyển nhượng sai phạm là dự án phát triển nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (TP HCM). Theo thông tin giới thiệu từ SAGRI, dự án có diện tích 36.676 m2, tổng mức đầu tư 817 tỉ đồng. Tháng 11/2010, UBND TP duyệt giá trị quyền sử dụng đất với diện tích hơn 36.676 m2, nghĩa vụ tài chính phải nộp vào ngân sách hơn 128 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Thanh tra TP HCM phát hiện trong quá trình thực hiện, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên đã có nhiều sai phạm, như thi công khi dự án chưa được phê duyệt, thực hiện hợp tác, liên kết đầu tư, ban hành nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ dự án không đúng quy định…
Theo kết luận Thanh tra, SAGRI đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B cho Công ty Phong Phú, với giá hơn 168 tỉ đồng, tức chỉ hơn 10,5 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, SAGRI huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 gần 14 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng của dự án liền kề là hơn 29 triệu đồng/m2. Như vậy, mức giá mà doanh nghiệp do ông Lê Tấn Hùng làm Tổng giám đốc đã chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú thấp hơn rất nhiều.
Thanh tra TP khẳng định việc SAGRI chuyển nhượng nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là trái quy định pháp luật.
Mặt khác, công ty báo cáo không trung thực với UBND TP HCM, Sở Xây dựng về việc huy động vốn khách hàng để thực hiện dự án, khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch, không thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung…
Một dự án chuyển nhượng giá bèo khác liên quan SAGRI là Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex). Doanh nghiệp lâm sản này là Công ty thành viên của của SAGRI, do SAGRI góp hơn 26% vốn sở hữu.
Forimex được SAGRI góp hơn 26% vốn dính dáng chuyển nhượng dự án tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho một cá nhân với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường 3 triệu/m2. (Ảnh: Forimex).
Tháng 3/2018, Forimex đã chuyển nhượng hơn 3,6 ha đất tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho một cá nhân với giá 280.000 đồng/m2.
Sau đó, có đơn tố cáo Forimex bán đất "giá bèo" vì giá thị trường loại đất này ở thời điểm chuyển nhượng là khoảng 3 triệu đồng/m2.
Kết luận Thanh tra cho biết người đại diện vốn của SAGRI tại Forimex đã biểu quyết việc chuyển nhượng khu đất là trái quy định pháp luật.
Ngoài 2 dự án trên, SAGRI còn có các sai phạm nghiêm trọng tại hàng loạt dự án đầu tư khác, như khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phú Mỹ Hưng - huyện Củ Chi; khu sản xuất nông nghiệp Phạm Văn Cội...
Nổi bật là dự án Cụm Công nghiệp Láng Le - Bàu Cò ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM). Dự án có diện tích hơn 89 ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng, được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ 2004.
Tại dự án này, SAGRI đã không xin ý kiến của UBND TP HCM về việc cho Công ty Phong Phú thay Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án. Ngoài ra, việc chuyển đổi chủ đầu tư là vi phạm luật Đất đai 2013, do dự án chưa thực hiện hạ tầng kĩ thuật, mới chỉ san lấp một phần diện tích khoảng 30 ha.
Đầu tư thua lỗ, gây thất thoát ngân sách
Ngoài sai phạm liên quan chuyển nhượng dự án "giá bèo", kết luận Thanh tra cũng chỉ ra SAGRI đã có hoạt động đầu tư vốn không hiệu quả, dẫn đến vốn nhà nước bị tổn thất.
Tính đến 31/12/2017, công ty mẹ đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp, với giá trị sổ kế toán là 1.038,9 tỉ đồng.
Lợi nhuận của SAGRI rất thấp so với doanh thu và có dấu hiệu ngày càng đi xuống. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Trong năm 2017, có 9/25 doanh nghiệp kết quả kinh doanh lỗ, 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 tính ra khoảng 383 tỉ đồng. Tổng số dự phòng giảm giá đầu tư tài chính mà công ty mẹ phải trích lập theo quy định là 102,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, Kiểm toán phát hiện SAGRI không thực hiện trích lập.
Kết quả Thanh tra khẳng định hoạt động đầu tư vốn của SAGRI hiệu quả không cao; một số khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động, dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp này bị tổn thất.
Với những sai phạm về quản lí tài chính, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên chỉ đạo các công ty được kiểm toán điều chỉnh số liệu sổ kế toán, báo cáo tài chính 2017 và nộp bổ sung ngân sách hơn 40 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra công ty mẹ SAGRI kí 3 hợp đồng vay ngoại tệ và một hợp đồng vay tiền VND, với mục đích bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên sau khi vay, công ty đã gửi có kì hạn tại các ngân hàng khác, không đúng mục đích vay theo hợp đồng. Điều này khiến số lỗ phát sinh do chênh lệch tỉ giá của 2 hợp đồng vay ngoại tệ đã tất toán trong năm 2017 là 7,9 tỉ đồng. Cùng với đó, số lỗ chênh lệch tỉ giá của một hợp đồng vay chưa tất toán đến hạn 31/12/2017 là hơn 4,6 tỉ đồng.
SAGRI còn kí 2 hợp đồng vay vốn với mục đích góp vốn thành lập pháp nhân mới, để thực hiện 2 hợp đồng hợp tác đầu tư trong 2 năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy 2 hợp đồng hợp tác đầu tư, vốn góp của SAGRI đã được các đối tác cho vay không lãi suất trong thời gian 3 năm.
Không đi học tập nước ngoài vẫn chi 13 tỉ đồng phí
Tháng 10/2017, Thanh tra TP đã có kết luận (số 38) chỉ ra nhiều sai phạm về tài chính, quản lí sử dụng vốn, tài sản của SAGRI, trong đó, có sai phạm trực tiếp của ông Lê Tấn Hùng, về việc kí khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động đi học tập nước ngoài.
"Đoàn Thanh tra nhận thấy SAGRI thời đó có dấu hiệu cấu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định của pháp luật", kết luận thanh tra cho biết.
Cụ thể, năm 2016, ông Hùng đã kí 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với Công ty TMDV Hòa Bình quốc tế và Công ty Du lịch Thanh Niên Xung Phong. Thự tế, SAGRI đã không đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí 13 tỉ cho 2 công ty du lịch.
Trách nhiệm trong vụ chi khống này thuộc ông Nguyễn Tấn Hùng và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy.