|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer

16:51 | 27/08/2021
Chia sẻ
DonaCoop, doanh nghiệp mô hình hợp tác xã tại tỉnh Đồng Nai vừa được phép mua 15 triệu liều vắc xin nhằm cung cấp cho một số tỉnh phía Nam. Việc có thể chi hàng nghìn tỷ đồng để mua vắc xin đã đặt ra dấu hỏi về tiềm lực của doanh nghiệp này.
Chân dung doanh nghiệp được phép mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer - Ảnh 1.

Trụ sở của DonaCoop tại tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: DonaCoop).

Mới đây, Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp ĐN (DonaCoop) đã được phép nhập khẩu 15 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer.

Công ty DonaCoop cho hay đã đàm phán với hãng dược Pfizer và cơ bản đã thống nhất về giá mua. Bên bán cam kết giao đơn hàng 15 triệu liều vắc xin Pfizer làm hai đợt, chậm nhất vào giữa tháng 9.

Hiện Công ty DonaCoop đang đợi Bộ Y tế hoàn thành thủ tục hồ sơ để đơn vị có thể nhập số vắc xin trên về nước. Nếu sớm hoàn tất thủ tục và có sẵn kho, tủ bảo quản trong đầu tháng 9/2021, vắc xin phòng COVID-19 sẽ được nhập về phân bổ cho Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.

Giá mỗi liều vắc xin Pfizer hiện khoảng 15 - 20 USD (tùy theo đàm phán). Như vậy, DonaCoop có thể phải chi tối đa khoảng 300 triệu USD, tức 6.900 tỷ đồng để mua số vắc xin trên.

Rót vốn vào siêu dự án hơn 1 tỷ USD tại Đồng Nai

Việc nhà nước cho phép một doanh nghiệp hợp tác xã mua vắc xin cho các tỉnh phía Nam khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sức mạnh của doanh nghiệp này, trong khi số nhân viên tại đây khoảng 300 người và trên 1.000 lao động gián tiếp.

Theo giới thiệu, DonaCoop được thành lập từ 2005, có trụ sở nằm trên Quốc lộ 51A, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do ông Bùi Thanh Trúc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

DonaCoop hình thành từ việc liên kết 9 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cùng phát triển nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đô thị và dịch vụ,...

Sau đó công ty này đã tập trung làm các dự án có tính trọng điểm và quy mô như dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, dự án Long Thành Plaza, dự án đầu tư khai thác đất đá tại mỏ đá Tân Cang 6, dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng,...

Trong đó khu kinh tế mở Long Hưng chính là dự án tạo nên tên tuổi của DonaCoop. Theo quy hoạch, quy mô diện tích dự án hơn 1.173 ha, được chia thành ba dự án thành phần: Khu đô thị Long Hưng, dự án Waterfront Nam Long và dự án Aqua City. Tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng.

Chân dung doanh nghiệp được phép mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer - Ảnh 3.

Nguồn: DonaCoop.

Khi được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2007, với quy mô của một “siêu đô thị”, Khu kinh tế Long Hưng vừa đòi hỏi vốn lớn, vừa cần kinh nghiệm trong xây dựng.

Khi đó, DonaCoop đã hợp tác được với Tập đoàn Keppel Land (một tập đoàn Singapore về bất động sản) và CTCP An Phú Long để thành lập công ty liên doanh phát triển đô thị Waterfront với số vốn đăng ký thời điểm đó là 750 triệu USD.

Cùng lúc, DonaCooop bắt tay với Tập đoàn VinaCapital (Anh Quốc) và An Phú Long thành lập công ty liên doanh là CTCP Thành phố Aqua nhằm phát triển bất động sản AquaCity với số vốn 550 triệu USD.

Cả hai công ty thành lập mới nói trên do DonaCoop góp 30% vốn, phía An Phú Long là 20%, còn lại là vốn nước ngoài.

DonaCoop rút vốn, hai dự án thành phần về tay Novaland và Nam Long

Đến tháng 3/2017, công ty Thành phố Aqua thực hiện chia tách, DonaCoop rút toàn bộ vốn và thành lập pháp nhân mới. Nhóm cổ đông VinaCapital nhờ vậy sở hữu 100% vốn của CTCP Thành phố Aqua. 

Dự án cũng được chia thành hai khi nhóm VinaCapital thực hiện dự án Aqua City rộng 110,5 ha, DonaCoop triển khai dự án Aqua Dona với phần diện tích 194,5 ha còn lại. Song sau này VinaCapital đã đem toàn bộ dự án đình đám này bán lại cho Tập đoàn Novaland (Mã: NVL).

Chân dung doanh nghiệp được phép mua 15 triệu liều vắc xin Pfizer - Ảnh 4.

Dự án Aqua City sở hữu vị trí đắc địa ngay tâm điểm các tuyến giao thông huyết mạch tại Đồng Nai, gần sân bay quốc tế Long Thành. (Ảnh: Novaland).

Đối với dự án Waterfont, năm 2019, Tập đoàn Nam Long (Mã: NLG) đã chi 2.300 tỷ đồng mua lại 70% vốn từ tay Keppel Land và tiếp tục mua nốt 30% còn lại với giá 1.951 tỷ đồng để sở hữu hoàn toàn dự án cùng với phía đối tác Nhật Bản. Hiện dự án đã được đổi tên thành Izumi City.

Về phần Khu dân cư Long Hưng do DonaCoop trực tiếp làm chủ đầu tư với quy mô 227,7 ha, theo phản ánh trên báo Sài Gòn Giải Phóng vào cuối năm 2020, dù dự án đã kéo dài 13 năm nhưng vẫn còn gần 1.700 hộ trong diện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng (giai đoạn 2).

Với việc liên tiếp hợp tác làm các dự án bất động sản lớn, nguồn vốn của DonaCoop đã tăng từ 100 tỷ đồng ban đầu lên 1.500 tỷ đồng theo công bố trên website của công ty tính đến năm 2016. Giai đoạn 2007 - 2016, công ty đã nộp ngân sách nhà nước 584 tỷ đồng.

Ngoài bất động sản, DonaCoop cũng chủ trương hình thành hợp tác xã vận tải phục vụ san lấp mặt bằng, thi công cầu đường tại các dự án của đơn vị và liên doanh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng