Chân dung công ty than vốn nghìn tỷ của ông Đặng Quốc Lịch chuẩn bị lên UPCoM
Theo cáo bạch, CTCP Hợp Nhất được thành lập ngày 11/7/2007 với số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng được đóng góp bởi 6 cổ đông. Sau 4 lần tăng vốn, vốn điều lệ của công ty hiện là 1.179 tỷ đồng. Công ty đáp ứng điều kiện đại chúng ngày 12/10/2023.
Ngành nghề kinh doanh chính của Hợp nhất là khai thác và thu gom than cứng, kinh doanh than. Sản lượng than hàng năm của công ty đạt khoảng 180 triệu tấn than thương phẩm, trữ lượng than địa chất được cấp phép là hơn 4,17 triệu tấn.
Hiện Hợp Nhất sở hữu ba mỏ than đều nằm tại mỏ than Nước Vàng (tỉnh Bắc Giang), gồm mỏ than khu vực IV với công suất khai thác 60.000 tấn/năm; mỏ than hầm lò khu vực VI công suất 20.000 tấn/năm; điểm mỏ than Nước Vàng công suất 100.000 tấn/năm.
Ai đang sở hữu Hợp Nhất?
Về cơ cấu cổ đông, tại ngày 15/10/2023, công ty có tổng cộng 123 cổ đông (toàn bộ là cổ đông trong nước). Trong đó, có một cổ đông lớn duy nhất là Chủ tịch Hợp nhất - ông Đặng Quốc Lịch, với số lượng cổ phiếu AAH nắm giữ 35,13 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 29,8%. Những lãnh đạo khác nắm giữ quanh 3% vốn của công ty.
HĐQT Hợp nhất hiện có 5 thành viên, gồm Chủ tịch Đặng Quốc Lịch; ba Thành viên HĐQT là ông Đào Ngọc Thảo, ông Phạm Hữu Bão và ông Đồng Khánh Dư; một Thành viên độc lập HĐQT là ông Vi Thành Chính.
Theo tìm hiểu, ông Đặng Quốc Lịch sinh năm 1970 tại Quảnh Ninh, có bằng cử nhân luật và kỹ sư địa chất mỏ. Hiện ông Lịch còn giữ nhiều chức vụ ở các tổ chức khác như Đoàn Chủ tịch Tổng hội địa chất Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Chủ tịch HĐQT CTCP Thiên Lâm Đạt; Chủ tịch HĐQT CTCP Khoa học Sản xuất Mỏ Bắc Giang.
Trong đó, Công ty Thiên Lâm Đạt là chủ đầu tư Dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hiệp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF với tổng mức đầu tư hơn 2.146 tỷ đồng tại thôn Xuân An, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Dự án được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 29/5/2015, với diện tích đất 20,6 ha.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các phương tiện truyền thông, Dự án của Thiên Lâm Đạt (Công ty Thiên Lâm Đạt) lại chỉ triển khai cầm chừng, chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Tại thời điểm tỉnh Bắc Giang thực hiện kiểm tra, giám sát giữa năm 2023,Thiên Lâm Đạt đã thực hiện xong 5 hạng mục của dự án gồm nhà văn phòng điều hành; khối nhà ăn và nhà ở; nhà xưởng cơ khí; nhà điều hành bốc dỡ cảng; các hạng mục phụ trợ; tổng giá trị khối lượng thực hiện của dự án trên 600 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Hợp nhất ra sao?
Trở lại với hoạt động kinh doanh của Hợp Nhất, sau giai đoạn kinh doanh thua lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm, công ty đã ghi nhận lãi trở lại từ năm 2022 đến nay.
Năm 2022, các nền kinh tế mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 cùng với giá than tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm dẫn đến doanh thu thuần của công ty tăng 30,8% so với năm 2021, đạt 591,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 101,9 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ hơn 17 tỷ đồng. Mặc dù năm 2022 đạt lợi nhuận cao nhưng lợi nhuận sau thuế luỹ kế đến hết năm 2022 của công ty là lỗ 11,4 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần 120,5 tỷ đồng, giảm 41,4% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế 13,4 tỷ đồng, tăng 38,8%. Hợp nhất cho biết giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023, tuy không bán được hàng tồn kho nhiều như năm 2022 nhưng công ty có khoản doanh thu hoạt động tài chính là 5,7 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu của công ty tiếp tục tăng nhẹ so với đầu năm 2023, cụ thể tổng tài sản đạt khoảng 1.408 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu là 1.181 tỷ đồng.
Công ty Hợp Nhất cho biết tính đến cuối năm 2023, doanh thu thực tế của công ty đạt 243,7 tỷ đồng, tương ứng 16,8% so với kế hoạch đặt ra (1.454 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế thực tế đạt 20,3 tỷ đồng, tương ứng 18,4% so với kế hoạch đề ra (110,8 tỷ đồng).