|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chậm thủ tục, hàng nghìn tỉ đồng vẫn chờ giải ngân

07:35 | 10/10/2019
Chia sẻ
Chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc chậm ngay từ khâu đầu là hoàn thiện thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế kĩ thuật, dự toán… đã khiến nhiều dự án đầu tư với số vốn hàng nghìn tỉ đồng không thể giải ngân.

Loay hoay ngay từ khâu đầu

Qua kiểm tra công tác giải ngân vốn tại một số bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy, một số chủ đầu tư chưa chú trọng lựa chọn, tư vấn lập hồ sơ, rà soát, kiểm tra hồ sơ dẫn đến nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh làm kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt và triển khai thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án chưa có kế hoạch chuẩn bị trước nên khi triển khai còn vướng về quy hoạch, đền bù, giải tỏa dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án.

Có những dự án trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, phê duyệt lại, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự toán làm gián đoạn thi công cũng khiến giải ngân chậm. Trường hợp dự án cảng Lạch Huyện; dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ (Ninh Bình); dự án trụ sở các cơ quan của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tại Xuân La (Hà Nội)… gặp vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế dẫn đến chậm giải ngân kế hoạch vốn. Trong đó, riêng dự án cảng Lạch Huyện chậm giải ngân đến nay là khoảng 1.282 tỷ đồng do chưa điều chỉnh được cơ cấu tổng mức đầu tư.

Hoặc như dự án cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Cấm (An Giang), kế hoạch trung ương giao năm 2018 là hơn 11 tỷ đồng, giải ngân (13 tháng) là 0 đồng. Dự án này không giải ngân được, theo báo cáo của ban quản lý dự án là do sự cố sạt lở đá trên Núi Cấm, không triển khai theo hướng tuyến đường đã phê duyệt, phải điều chỉnh lại hướng tuyến. Tuy nhiên, công tác điều chỉnh dự án của chủ đầu tư lại quá chậm, ảnh hưởng tới việc giải ngân số vốn kế hoạch năm 2018 đã bố trí cho dự án trong năm 2019.

Hay như dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông MeKong lần 2, dự án thành phần tỉnh Bắc Giang (hạng mục cầu đường) phát sinh về địa chất, phải khảo sát tính toán lại kết cấu, phải phê duyệt lại thiết kế, thời gian thủ tục 7 tháng mới hoàn thành việc phê duyệt lại, từ đó mới đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện, làm chậm giải ngân.

Có tâm lý đủng đỉnh giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước đã giao, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung đẩy nhanh thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định.

Riêng đối với dự án ODA và vốn vay ưu đãi, theo Bộ Tài chính, trong khâu thực thi, cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan có liên quan giải quyết vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án có thay đổi về chủ trương đầu tư, các bộ chủ quản và địa phương cần làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án. Đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Việc thực hiện các quy trình, thủ tục thiếu linh hoạt, rườm rà là một trong những nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ ra tại hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa qua. Đây là một trong những khâu đầu, có ý nghĩa quan trọng, nếu không thực hiện khẩn trương sẽ không có khối lượng hoàn thành để giải ngân vốn theo đúng kế hoạch. Những tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung vào giải ngân kế hoạch vốn năm 2018, phải đến giữa năm, mới rục rịch triển khai giải ngân kế hoạch vốn của năm 2019. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện đã vướng từ khâu thủ tục, khiến tốc độ giải ngân chậm càng thêm chậm. Trong khi đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lại không vội, vì các quy định hiện hành cho phép thời hạn thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm được thực hiện trong 2 năm. Chính vì vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa thực sự quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đã nhiều lần khẳng định rằng, việc chậm trễ giải ngân ngoài nguyên nhân khách quan, phần nhiều ở nguyên nhân chủ quan, từ phía các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Ở đâu có sự quan tâm, sâu sát, thì ở đó, việc giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện đáng kể.

4/7 dự án đường sắt đô thị giải ngân đình trệ

Đối với các dự án vay ODA nói chung, trong 6 tháng đầu năm 2019, có 26 chương trình, dự án phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Riêng nhóm các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn vay đã ký kết gần 4,5 tỷ USD, có 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc bố trí nguồn vốn giải ngân cho các dự án này đến nay vẫn đang đình trệ. Có những trường hợp có quy mô điều chỉnh tổng mức đầu tư rất lớn như Dự án Metro tuyến 1 Bến Thành - Suối Tiên tăng tổng mức đầu tư gần gấp 3 lần (từ 17 nghìn tỷ đồng lên 47 nghìn tỷ đồng).

Minh Anh