|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Dự án đội vốn, mất dần lợi ích

08:18 | 24/08/2017
Chia sẻ
Chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ đội chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.

Giải ngân chậm vốn đầu tư công, viện trợ phát triển chính thức (ODA) được coi là điểm nghẽn của nền kinh tế, nếu không có giải pháp cấp bách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong khi tỷ lệ vay và áp lực trả nợ công ngày càng tăng cao.

cham giai ngan von dau tu cong du an doi von mat dan loi ich
Chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA khiến nhiều dự án đội vốn, lợi ích giảm dần

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến mới đây về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nêu rõ, nếu chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguồn vốn này cần được giải ngân nhanh, sử dụng minh bạch và hiệu quả.

Chậm tiến độ giải ngân vì đâu?

Giải ngân vốn đầu tư một dự án là thời điểm mà vốn được chuyển từ kho bạc đến người thực hiện (tức là nhà thầu), trải qua các quy trình từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án cho đến khi được giao vốn, thực hiện dự án, thanh quyết toán.

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KHĐT) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ. Trước tiên là theo thói quen, thông lệ, đầu năm giải ngân chậm, cuối năm mới dồn lực triển khai.

Bên cạnh đó, do công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với dự án lớn sử dụng diện tích đất càng lớn thì công tác giải phóng mặt bằng càng phức tạp và mất nhiều thời gian, ông Phương lý giải.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, công tác hoàn thiện thủ tục và sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các cơ quan liên quan và đối với nhà thầu trong việc hoàn thiện hồ sơ. Ngoài ra, yếu tố thời tiết, khi vào mùa mưa các công trình thi công bị ảnh hưởng rất nhiều, không phát sinh khối lượng công việc nên không thể lập hồ sơ thanh toán và không thể giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyên nhân khác được ông Phương chỉ ra là công tác giao vốn, do các dự án cần có đầy đủ hồ sơ, trong đó quan trọng nhất là quyết định phê duyệt dự án, tốn một khoảng thời gian khá dài, chủ đầu tư phải đấu thầu thuê tư vấn, lập báo cáo khả thi, thẩm định và phê duyệt dự án, rất dễ gây ra chậm trễ trong việc giao vốn.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KHĐT) cho biết, ngoài câu chuyện quy trình, thủ tục, giải phóng mặt bằng… giống như các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ khác, thì với vốn ODA, vướng mắc còn nằm ở sự khác biệt trong thủ tục giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, ở việc thiếu vốn đối ứng, và đặc biệt là quy định về giải ngân theo kế hoạch.

Ông Khánh cho hay, vốn ODA và vốn vay ưu đãi có đặc thù riêng là đòi hỏi quy trình thủ tục từ cả hai phía, phía nhà tài trợ và phía Việt Nam. Theo tính toán, từ khi các khoản vay được tài trợ và Chính phủ Việt Nam thống nhất, phải mất trung bình từ 2 - 3 năm để ký kết hợp đồng với các nhà tư vấn, nhà thầu xây dựng.

Giải ngân chậm, dự án đội chi phí

Trên thực tế, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn để đảm bảo đồng vốn được sử dụng hiệu quả, tận dụng tối đa các lợi ích mà dự án sử dụng vốn đem lại.

Dẫn kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Lưu Quang Khánh chỉ ra rằng chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính. Vì thế, ông Khánh nhấn mạnh, cần phải thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công, vốn ODA.

Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh từ đầu năm 2017, các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), ADB đã và sắp cắt các khoản vay ưu đãi nhất (WB cắt từ ngày 1/7/2017, ADB cắt từ ngày 1/1/2018), trong khi các nhà tài trợ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang theo tiến trình cắt các khoản vay này và thay vào đó là các khoản vay với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cao hơn.

Điều chuyển vốn để nâng cao hiệu quả đầu tư

Ông Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70 về điều chuyển vốn nhằm sử dụng hiệu quả toàn bộ nguồn vốn hiện có. Trong ngành, vốn sẽ được điều chuyển từ dự án này sang dự án khác. Một số dự án sẽ được báo cáo Chính phủ, Quốc hội để điều chuyển từ bộ này sang bộ khác, từ địa phương này sang địa phương khác.

Trong Nghị quyết 70, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2017 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phải xin ý kiến cấp trên cũng khiến việc điều chuyển vốn không kịp thời. Vì những bất cập đó, ông Lưu Quang Khánh cho biết câu lạc bộ các giám đốc dự án đã được thành lập. Không chỉ là nơi chia sẻ cách làm hiệu quả, câu lạc bộ cũng trở thành lớp đào tạo, tập huấn nhằm tăng tính chuyên nghiệp của các ban quản lý.

Về sự tham gia của khu vực tư nhân, ông Khánh cho biết, các quy định văn bản đang được xây dựng theo hướng thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và vốn ODA để đầu tư dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, hệ số ICOR (một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư), chỉ còn 5,72, giảm 0,24 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số ICOR giảm cho thấy hiệu quả đầu tư đã được cải thiện.

Tính đến cuối tháng 7/2017, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gẩn 39%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay thì tốc độ giải ngân này còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong 7 tháng qua, vốn ODA đã giải ngân được 41.700 tỷ đồng, đạt 42% so với kế hoạch, bằng khoảng 95% so với cùng kỳ 2016.

cham giai ngan von dau tu cong du an doi von mat dan loi ich Kết quả giải ngân vốn đầu tư công vênh gấp 10 lần, NHNN 'phản pháo' cách tính của Bộ Tài chính

Theo báo cáo ước tính của Bộ Tài chính về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017, NHNN mới chỉ đạt 5,8%. Tuy ...

cham giai ngan von dau tu cong du an doi von mat dan loi ich TP HCM: Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 50%

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm, tổng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công ...

Trần Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.